10:12 02/08/2019

Tp.HCM dẫn đầu thu ngân sách 6 tháng 2019

Xuân Thái

Thu ngân sách trên địa bàn Tp.HCM ước đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ

Trung ương giao dự toán thu ngân sách Tp.HCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỷ đồng
Trung ương giao dự toán thu ngân sách Tp.HCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỷ đồng

Tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, báo cáo về kết quả thu ngân sách thời gian qua, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM cho hay, thu ngân sách trên địa bàn Tp.HCM ước đạt 193.310 tỷ đồng, đạt 48,43% dự toán và tăng 7% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu nội địa ước đạt 121.825 tỷ đồng, đạt gần 45% dự toán và tăng 2%. Thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất đạt 118.100 tỷ đồng, đạt 45% dự toán và tăng 7,5%. Thu ngân sách địa phương đạt 37.300 tỷ đồng, chiếm 43% dự toán và giảm 10,6% cùng kỳ.

Giải thích về nguyên nhân tổng mức thu nội địa đạt 121.825 tỷ đồng nhưng chỉ đạt 45% dự toán, theo bà Lê Ngọc Thùy Trang là do Trung ương giao dự toán thu ngân sách Tp.HCM năm 2019 lên đến gần 400.000 tỷ đồng (con số chính xác là 399.125 tỷ đồng). Tính ra, 1% dự toán thu ngân sách thành phố đã tương đương 4.000 tỷ đồng. 

Bà Trang cho biết, trong cụm 5 thành phố trực thuộc Trung ương giao ước thi đua gồm Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ thì tổng số dự toán thu ngân sách 2019 của 4 địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ là 365.900 tỷ đồng; trong khi tổng dự toán thu ngân sách của Tp.HCM gần 400.000 tỷ đồng. Như vậy, dự toán thu ngân sách của thành phố năm 2019 cao gấp 1,1 lần tổng dự toán thu của 4 thành phố còn lại.

Để bảo đảm nguồn thu được giao, Tp.HCM đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ phát triển kinh tế nhằm huy động, nuôi dưỡng nguồn thu. Tuy nhiên đến nay, số thu từ khu vực kinh tế chỉ tăng gần 8,5% so với cùng kỳ và vẫn không đạt được dự toán được giao (số giao dự toán năm 2019 đối với khu vực kinh tế tăng đến 21,15% so với thực hiện 2018).

Về kết quả thực hiện thu ngân sách, mặc dù tăng so với cùng kỳ 2018 (tăng 7%) nhưng tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm so với các năm trước. Ví dụ tốc độ tăng thu nội địa chỉ đạt 2,17% so với cùng kỳ, thấp nhất so với tốc độ thu nội địa trong 3 năm trở lại đây (năm 2017 tăng 18,44%, năm 2018 tăng 9,57%). 

Số thu từ khu vực kinh tế tăng 8,48% là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại kể từ 2017; mà kết quả thu từ khu vực này tác động rất lớn đến kết quả số thu nội địa.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 7/2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 96.221 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 12,8% so với tháng cùng kỳ năm 2018. 

Cụ thể: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 63.042 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng 6 và tăng 15,9% so với cùng kỳ. Một số nhóm hàng có tỷ trọng cao trong doanh thu bán lẻ hàng hóa như: đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình đạt 11.434 tỷ đồng, chiếm 18,1%, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ; lương thực, thực phẩm 10.696 tỷ đồng, chiếm 17%, có mức tăng lần lượt so với các thời điểm như trên là 3,8% và 17,6%; xăng dầu các loại 5.138 tỷ đồng, chiếm 8,2%, tăng 2,8% và 8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) 3.301 tỷ đồng, tăng 4,2% và 49,6%.

Các loại thu khác như doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.229 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lữ hành 2.351 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác 21.599 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 654.075 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2019 có tăng nhẹ 0,1% so tháng trước. Trong đó, có 7/11 nhóm tăng so tháng trước, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống  tăng 0,17%; nhóm may mặc mũ nón giày dép tăng 0,08%; nhóm nhà ở điện nước tăng 0,14%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%; nhóm văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,05%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,89%. 3/11 nhóm giảm so với tháng trước gồm nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,05%; nhóm giao thông giảm 0,14%; nhóm giáo dục giảm 0,05%. Các nhóm còn lại như nhóm thuốc và dịch vụ y tế không biến động so tháng trước.

Về diễn biến giá cụ thể một số nhóm, theo Cục Thống kê Tp.HCM, nhóm lương thực là nhóm có chỉ số tăng khá so đầu năm là tăng 0,92%, (bình quân một tháng trong 7 tháng đầu năm giá lương thực tăng xấp xỉ 0,14%). 

Nguyên nhân được giải thích là do giá nhóm như bột mì và ngũ cốc tăng 1,44%; lương thực chế biến tăng 1,60%. Nhóm gạo tăng 0,70%, mức tăng này không cao là do những tín hiệu khó khăn về tình hình xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường chính giảm mạnh. 

Ngoài ra, rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu gạo đòi hỏi gắt gao hơn, trong khi chất lượng gạo Việt không cao. Nếu so với các loại gạo cùng loại của Thái Lan và Campuchia thì gạo Việt không cạnh tranh được cả về giá và chất lượng; đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm nay của Việt Nam sẽ gặp thêm không ít khó khăn và mặt bằng giá xuất khẩu gạo được dự báo sẽ giảm tiếp do nguồn cung được bổ sung từ nhiều nước.