11:23 24/08/2018

Trái phiếu doanh nghiệp: Thị trường không trẻ nhưng chưa phát triển

Lê Hường

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng

Đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP.
Đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP.

Hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện đồng bộ chính sách tín dụng theo hướng có lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, cho phép Bảo hiểm xã hội đầu tư một phần vào các trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao là những giải pháp chủ chốt để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP).

Quy mô thị trường còn nhỏ bé

Theo bà Phan Thị Thu Hiền – Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), qua gần 20 năm xây dựng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất nhỏ so với các thị trường khác do nhiều nguyên nhân.

Trước hết, từ tính lịch sử của thị trường vốn và tiền tệ. Hệ thống ngân hàng đã có quá trình phát triển khoảng gần 70 năm, trong khi đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự bắt đầu hình thành từ năm 2000 trở lại đây. Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng về thị trường vốn nên khi có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ nghĩ ngay đến kênh tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách lại chưa thực sự cân bằng giữa chính sách huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và kênh tín dụng ngân hàng. Đối với chính sách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ và tuân thủ quy trình thủ tục theo chuẩn mực thị trường để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư.

Về tổ chức phát hành, các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân là do thói quen và nhận thức của doanh nghiệp, cùng với việc quy trình, thủ tục vay vốn ngân hàng đơn giản hơn, chi phí có thể thấp hơn và đặc biệt là không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với nhà đầu tư mua trái phiếu.

Về nhà đầu tư, cơ sở để nhà đầu tư đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững.

Về cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và chưa hình thành thị trường thứ cấp để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, sự thiếu vắng vai trò và hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạn chế việc tiếp cận kênh đánh giá để ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Đã có 1 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm Việt Nam

Liên quan đến hoạt động của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/09/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay có một doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, có 3 doanh nghiệp nước ngoài đang nghiên cứu thị trường Việt Nam và thể hiện sự quan tâm trong thời gian tới.

Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu, thời gian tới dự kiến sẽ nghiên cứu yêu cầu trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi điều kiện thị trường cho phép. Nội dung này đang được nghiên cứu để quy định cùng với việc dự thảo Luật Chứng khoán. Còn đối với trái phiếu riêng lẻ, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để tăng cường công khai, minh bạch về thông tin.

Để phát triển thị trường này trong thời gian tới, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ một số giải pháp.

Trước hết là hoàn thiện khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng tách bạch phương thức phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 90/CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu gắn với việc tập trung vào nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của doanh nghiệp phát hành để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ 2, trong đó đánh giá khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm vào phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng. Đồng thời với cơ chế phát hành, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp đảm bảo đồng bộ với các cơ chế, chính sách hiện hành trên thị trường tiền tệ nhằm tạo sự liên thông, giữa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường tiền tệ - tín dụng.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư của Bảo hiểm xã hội để trình cấp có thẩm quyền cho phép Bảo hiểm xã hội đầu tư một phần vào các trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao. 

Thực hiện đồng bộ chính sách tín dụng theo hướng có lộ trình giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; hạn chế tối đa cho vay vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng đối với một khách hàng để giảm bớt rủi ro về kỳ hạn, nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng và thúc đẩy việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán đồng thời với việc cải tiến cơ chế công bố thông tin về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.