14:55 06/06/2018

Triết lý giáo dục Việt Nam là gì?

Hà Vũ

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tổ chức một hội thảo khoa học về triết lý giáo dục Việt Nam

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Nếu cần đúc rút trong một câu ngắn gọn thì triết lý giáo dục Việt Nam là gì", Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, sáng 6/6.

Theo đại biểu Hải thì triết lý giáo dục với một nền giáo dục quan trọng như Hiến pháp đối với một quốc gia, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học.

Bà Hải nhắc lại, trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo ngày 29/4/2014, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước có nêu: "Triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam chúng ta là nghị quyết 29 của Trung ương". Tuy nhiên, nghị quyết 29 dài 12 trang, còn thông thường triết lý giáo dục phải là một phát biểu ở tầm tư tưởng nhưng cô đọng súc tích để ai cũng thấu hiểu và thực hiện như "Học đi đôi với hành", "Tiên học lễ - hậu học văn".

Đại biểu cũng nêu ví dụ Nhật Bản coi giáo dục đạo đức là cốt lõi, cốt lõi giáo dục của Đức là nhân bản thực tiễn, giáo dục Pháp là sau phổ thông đủ đi làm...

"Vậy, nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục làm nền tảng cho công tác điều hành ngành của mình thì đó là gì thưa Bộ trưởng", đại biểu Hải chất vấn.

Từ vị trí điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: câu hỏi này chắc phải có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời. Tôi đề nghị Bộ trưởng sẽ trao đổi thêm với đại biểu Nguyễn Thanh Hải và cần tổ chức một hội thảo khoa học về triết lý giáo dục Việt Nam.

Phần trả lời sau đó Bộ trưởng Nhạ không hồi âm đại biểu Nguyễn Thanh Hải.

Bệnh thành tích đang phổ biến

Đại biểu Bùi Thị Thuỷ (Thanh Hoá) đặt vấn đề, Bộ trưởng có biết giấy khen hiện nay ở các nhà trường đang dần mất giá trị, bởi vì điểm số hiện nay cho quá dễ, kéo theo đó là số lượng học sinh khá, giỏi quá nhiều.

Qua khảo sát, đại biểu nêu, tỷ lệ học sinh khá giỏi ở một số trường trung học phổ thông miền núi trong năm học 2017 - 2018 là khoảng 55 đến 60%, tỷ lệ này ở lớp 12 còn cao hơn nhiều, khoảng 65 - 70%. Đó là một biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích trong giáo dục.

Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh này và giải pháp cụ thể nào để chữa dứt điểm trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách hiệu quả và thực chất? đại biểu Thuỷ chất vấn.

Bệnh thành tích không phải bây giờ mà từ lâu rồi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp.

Theo Bộ trưởng thì ngành giáo dục cũng rất cố gắng nói không với bệnh thành tích. Tuy nhiên, đây là vấn đề không chỉ dừng lại quy định mà còn có những yếu tố về văn hóa, về thói quen.

Chúng tôi đang rất tích cực để làm sao hạn chế được việc này. Những thầy cô nào thực hiện tốt đổi mới sáng tạo, có sản phẩm đích thực thì cơ sở, sở, bộ sẽ ghi nhận biểu dương. Hạn chế đăng ký thi đua, chính đăng ký thi đua mới là gốc gác của vấn đề các thầy cô phải có những thành tích ảo. Chúng tôi rất biết những điều này và câu hỏi của đại biểu Thủy là rất chính xác", Bộ trưởng trả lời.

Ông Nhạ cũng cho rằng bệnh thành tích hiện nay vẫn còn đang phổ biến, dù có dấu hiệu giảm.

Khẳng định của Bộ trưởng là tới đây làm kiên quyết. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt là thi đua phải thiết thực và trong ngành giáo dục phải đi tiên phong, Bộ trưởng nói.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng trả lời gốc của bệnh thành tích là do đăng ký thi đua của các thầy cô giáo là không thỏa đáng.

Đại biểu Thắng phân tích, thứ nhất, sẽ mâu thuẫn với các quy định về tổ chức thực hiện Luật Thi đua khen thưởng. Thứ hai, việc đăng ký thi đua của các thầy cô giáo là cần thiết, bởi vì, qua các thầy cô giáo công khai mục tiêu phấn đấu của mình, cũng để cho Hội đồng thi đua của các nhà trường biết quan tâm, tạo điều kiện và đồng thời cũng giám sát quá trình thực hiện danh hiệu thi đua của các thầy cô giáo và cũng là cơ sở để xem xét, đánh giá danh hiệu thi đua.

Tại sao lại nói là vì đăng ký danh hiệu thi đua mà sinh ra bệnh thành tích trong giáo dục? Tôi đề nghị Bộ trưởng xem lại cách tiếp cận để tìm ra nguyên căn của vấn đề bệnh thành tích, ông Thắng nói.

Trả lời đại biểu Thắng, Bộ trưởng "đính chính" rằng đăng ký thi đua là tốt, còn ý Bộ trưởng là thi đua mà không thực chất thì dẫn đến các thầy cô bị áp lực trong vấn đề thi đua.

"Ý của tôi muốn nói rằng thi đua không đúng với tinh thần thi đua trong chương trình chỉ đạo của Bộ", Bộ trưởng giải thích.

Kết thúc phiên buổi sáng vẫn còn 59 đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận. Nhưng thời gian dành cho Bộ trưởng Nhạ chỉ còn 25 phút.