Triều Tiên và những gợi ý từ mô hình phát triển kinh tế Việt Nam
Khi thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra ở Hà Nội, có những ý kiến cho rằng Triều Tiên có thể học hỏi mô hình Việt Nam để phát triển kinh tế
Khi ông Võ Văn Đại bắt đầu vào làm trong công ty nước mắm Vạn Phần Diễn Châu vào thập niên 1980, doanh nghiệp Nhà nước có trụ sở ở Nghệ An này có 5 đơn vị với 18 nhà quản lý. Cho tới thời điểm ông Đại trở thành người đứng đầu công ty sau cuộc cổ phần hóa vào năm 2000, Vạn Phần Diễn Châu đã cắt giảm 2/3 bộ máy quản lý.
Trong cùng khoảng thời gian, doanh thu của Vạn Phần Diễn Châu tăng 10 lần, lên hơn 20 tỷ đồng, và số công nhân tăng hơn gấp đôi lên 180 người.
"Cổ phần hóa đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tự mình quyết định sản xuất gì, để bán đúng sản phẩm mà thị trường cần. Vai trò của Nhà nước thay đổi từ chỗ tham gia trực tiếp sang quản lý gián tiếp doanh nghiệp thông qua pháp luật và các quy chế", ông Đại - người hiện nắm cổ phần 15% trong Vạn Phần Diễn Châu - nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Khi Triều Tiên chuyển động
Thông qua công cuộc đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nghèo nàn trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 7 lần từ thập niên 1980 đến nay, đạt khoảng 2.500 USD. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng trưởng hơn 7%.
Trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội, có nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên có thể học hỏi mô hình Việt Nam để phát triển kinh tế.
Truyền thông Hàn Quốc dẫn nhiều nguồn thạo tin nói rằng ông Kim Jong Un đã bày tỏ mong muốn học hỏi cách thức phát triển kinh tế của Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, Triều Tiên có thể ngần ngại với những thay đổi mà Bình Nhưỡng cho là có thể gây mất ổn định xã hội và chính trị. "Triều Tiên luôn đặt ổn định chính trị lên vị trí ưu tiên hàng đầu và có thể không muốn có những thay đổi mà họ cho là có khả năng xáo trộn ổn định xã hội và chính trị", ông Benjamin Katzeff Silbrestein, đồng biên tập viên trang North Korean Economy Watch, nhận định.
Tuy vậy, kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế.
Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng ông Kim Jong Un thậm chí còn quan tâm đến việc tham gia vào các định chế kinh tế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng nhẹ sau nhiều thập kỷ trì trệ. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), kinh tế Triều Tiên tăng 3,9% trong 2016, mức tăng mạnh nhất hơn một thập kỷ. Theo một số ước tính, GDP bình quân đầu người của Triều Tiên có thể dao động từ mức vài trăm USD đến 2.000 USD.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã khởi động một số cải cách nhỏ để giảm bớt phụ thuộc vào nền kinh tế tập trung, cho phép mở hơn 400 chợ tư nhân và lập hơn một chục đặc khu kinh tế cho đầu tư nước ngoài.
Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ thực hiện, toàn bộ 36 người Triều Tiên được hỏi đều nói họ có ít nhất 3/4 thu nhập đến từ các hoạt động trên thị trường tư nhân.
Ngoài ra, theo ước tính của Institute for Korean Integration of Society, kinh tế "chợ đen" - với tên gọi jangmadang trong tiếng Triều Tiên - hiện chiếm khoảng 60% nền kinh tế nước này.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế như Jim Rogers, tỷ phú sáng lập quỹ Quantum Fund, nhận thấy tiềm năng trở thành một cường quốc kinh tế của Triều Tiên, nếu nước này cải cách và được cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
"Tên lửa" kinh tế mới?
Ngoài vị trí địa lý thuận lợi là gần Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên còn có những lợi thế khác như trữ lượng khoáng sản lớn, với trị giá ước tính lên tới hàng nghìn tỷ USD.
Mới đây, ông Trump dự báo Triều Tiên sẽ trở thành một "tên lửa" kinh tế dưới sự dẫn dắt của ông Kim Jong Un - nhà lãnh đạo mà Tổng thống Mỹ đánh giá là "rất có năng lực".
Mong muốn phát triển kinh tế của ông Kim Jong Un cũng nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc - đồng minh lớn nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Năm ngoái, sau khi ông Kim Jong Un tuyên bố dừng thử vũ khí hạt nhân và sẽ nỗ lực xây dựng một "nền kinh tế xã hội chủ nghĩa", Bắc Kinh đã thể hiện sự đồng tình.
"Trung Quốc hy vọng Triều Tiên áp dụng mô hình cải cách kinh tế của Trung Quốc. Nhưng theo quan điểm của Trung Quốc, mô hình đổi mới kinh tế của Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc", ông Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc thuộc tổ chức Stimson Centre có trụ sở ở Washington.
Biên tập viên Silberstein của North Korea Economy Watch thì nhấn mạnh rằng ông Kim Jong Un đặt ưu tiên cao đối với các đặc khu kinh tế.
"Có một lý do khiến ông Kim thích các đặc khu: đây là một cách để giữ sự thay đổi và cải cách trong phạm vi một số khu vực của đất nước, mà không đặt ra nhiều rủi ro", ông Silberstein nói.
Theo chuyên gia này, để đạt được thành công kinh tế như Việt Nam, Triều Tiên cần cải tổ hệ thống pháp luật và hệ thống sở hữu, để các doanh nghiệp có thể phát triển dựa trên sự sáng tạo của họ.
"Hệ thống của Triều Tiên lỗi thời và cứng nhắc hơn so với các ví dụ tương tự, nên thách thức đối với họ sẽ lớn hơn", ông Silberstein nhận định.