09:05 22/05/2018

Trung Quốc cân nhắc xóa bỏ chính sách hạn chế sinh đẻ

Thăng Điệp

Trung Quốc đang cân nhắc xóa bỏ toàn bộ giới hạn đối với số con mà mỗi cặp vợ chồng ở nước này có thể sinh

Hạn chế sinh đẻ được cho là giúp Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế trong mấy thập kỷ qua, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy - Ảnh: SCMP.
Hạn chế sinh đẻ được cho là giúp Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế trong mấy thập kỷ qua, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy - Ảnh: SCMP.

Trung Quốc đang cân nhắc xóa bỏ toàn bộ giới hạn đối với số con mà mỗi cặp vợ chồng ở nước này có thể sinh - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg. 

Đây sẽ là một động thái lịch sử nhằm chấm dứt một chính sách đã kéo dài hàng thập kỷ và được xem là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng dân số lão hóa và thiếu lao động ở Trung Quốc.

Nguồn tin nói rằng Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện nghiên cứu tác động tiềm tàng của việc chấm dứt chính sách kế hoạch hóa gia đình được áp dụng gần 4 thập kỷ và triển khai thay đổi này trên phạm vi toàn quốc.

Theo nguồn tin, Chính phủ Trung Quốc muốn hạn chế tốc độ lão hóa dân số, theo đó sẽ thay thế chính sách kiểm soát dân số hiện nay bằng chính sách "tự do sinh đẻ". Quyết định có thể được đưa ra vào quý 4 năm nay hoặc trong năm 2019.

Hạn chế sinh đẻ được cho là giúp Trung Quốc đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế trong mấy thập kỷ qua, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy.

Dân số lão hóa đẩy chi phí lương hưu và chăm sóc y tế gia tăng, đồng thời khiến các công ty nước ngoài ở Trung Quốc dịch chuyển sang các quốc gia khác có nguồn lao động dồi dào hơn. Năm ngoái, Hội đồng Nhà nước ước tính đến năm 2030, khoảng 1/4 dân số Trung Quốc sẽ là những người từ 60 tuổi trở lên, so với mức 13% vào năm 2010.

Ngoài vấn đề dân số lão hóa và thiếu lao động, chính sách này còn là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính. Số nam giới ở nước này hiện nhiều hơn số phụ nữ 30 triệu người.

Theo cuốn CIA World Fact Book, Trung Quốc có tỷ lệ 106 nam/100 nữ, so với mức 102 nam/100 nữ trên toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều nam giới Trung Quốc không thể lấy vợ, hoặc phải lấy vợ là cô dâu "nhập khẩu" từ quốc gia khác.

Trong thời gian thực thi, chính sách hạn chế sinh đẻ đã khiến nhiều thế hệ cha mẹ người Trung Quốc phải nộp phạt, phải phá thai, hoặc phải nuôi con trong bí mật.

Từ năm 1979-2014, Trung Quốc chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 con. Từ năm 2015, Chính phủ nước này chuyển sang chính sách 2 con như một động thái nới dần kiểm soát sinh đẻ.

Tuy vậy, tỷ lệ sinh vẫn không có sự gia tăng đáng kể. Thậm chí, trong năm ngoái, số trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc giảm 3,5% so với năm 2016, còn 17,2 triệu trẻ - theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc. Cú giảm này gần như xóa mất thành quả tăng tỷ lệ sinh sau khi chính sách 2 con được triển khai.

Theo giới chuyên gia, tỷ lệ sinh thấp và số trẻ em được sinh ra thấp trong 2 năm qua là một thông điệp rõ ràng cho thấy giới trẻ Trung Quốc không sẵn sàng sinh thêm con. Nhiều bậc cha mẹ trẻ tuổi ở nước này lo ngại không có đủ chi phí nuôi dạy con nếu sinh thêm, bởi xã hội Trung Quốc đã quen với việc dồn nguồn lực gia đình vào một đứa con duy nhất.

Hồi tháng 3, Trung Quốc đã loại bỏ cụm từ "kế hoạch hóa gia đình" khỏi tên của Ủy ban Sức khỏe Quốc gia - một cơ quan mới được thành lập bằng cách hợp nhất môt số cơ quan cũ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1981 Trung Quốc không có cơ quan nào mang cụm từ này trong tên gọi. Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng không còn dùng cụm từ "kế hoạch hóa gia đình" trong các báo cáo chính sách chủ chốt.