15:46 22/01/2018

Trung Quốc chuẩn bị đưa tư tưởng của ông Tập Cận Bình vào hiến pháp

An Huy

Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng tư tưởng của ông Tập Cận Bình đã tạo ra một “bầu nhiệt huyết” quốc gia

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters.

Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa tư tưởng chính trị của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước này Tập Cận Bình vào hiến pháp, sau khi đã đưa tư tưởng của ông Tập vào điều lệ đảng vào năm 2017.

Tại Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái, điều lệ đảng này đã được sửa đổi để bao gồm tư tưởng chính trị của ông Tập. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới" thành một trong những kim chỉ nam của đảng.

Hãng tin Reuters dẫn thông tin ngày 19/1 vừa qua từ hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho biết, sau một cuộc họp hai ngày của các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đề xuất đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào hiến pháp.

Tuyên bố của hội nghị nói tư tưởng của ông Tập đã tạo ra một "bầu nhiệt huyết" quốc gia, giúp mang lại "động lực tinh thần to lớn" trong việc thực hiện các chính sách chiến lược của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Cuộc họp cũng nhấn mạnh rằng một hệ thống giám sát quốc gia "tập trung, thống nhất, có thẩm quyền và có hiệu quả cao" cần phải được thiết lập để chống tham nhũng trong toàn bộ hệ thống cơ quan công quyền.

Các học giả về luật pháp của Trung Quốc vẫn cho rằng nước này cần sửa đổi hiến pháp trước khi có thể thiết lập một Ủy ban Giám sát Quốc gia mới nhằm đảm bảo có một nền tảng hiến pháp phù hợp cho quyền lực của ủy ban này. 

Tuy nhiên, Tân Hoa Xã không nói rõ phần nào của hiến pháp Trung Quốc có thể được sửa đổi để tạo nền tảng như vậy cho ủy ban giám sát mà Bắc Kinh đang muốn thành lập.

Chống tham nhũng là một nhiệm vụ chính trị then chốt mà ông Tập vạch ra trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cuộc chiến này sẽ mang một màu sắc mới khi Ủy ban Giám sát Quốc gia được thành lập trong bối cảnh ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai.

Công tác thử nghiệm đã được tiến hành cho việc thành lập ủy ban này. Nhiều khả năng Ủy ban Giám sát sẽ được chính thức ra mắt tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 năm nay.

Việc sửa đổi Hiến pháp Trung Quốc cũng cần phải được Quốc hội chính thức thông qua, có thể là trong kỳ họp năm nay, nhưng cũng có thể trước đó. Tân Hoa Xã không nói rõ khi nào Hiến pháp sửa đổi của Trung Quốc sẽ được Quốc hội nước này thông qua.

Việc tên của ông Tập Cận Bình được nêu trong điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là phản ánh quyền lực và ảnh hưởng của ông, nâng ông lên ngang tầm với những nhà lãnh đạo xuất chúng của Trung Quốc như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Từ thời Mao Trạch Đông, chưa có một nhân vật nào có tư tưởng chính trị được đưa vào điều lệ đảng của Trung Quốc khi còn đang cầm quyền. Tên của Đặng Tiểu Bình chỉ được đưa vào điều lệ đảng sau khi ông qua đời vào năm 1997.

Lần gần đây nhất Trung Quốc sửa đổi hiến pháp là vào năm 2004, bổ sung nội dung về bảo vệ tài sản tư nhân và nhân quyền.