Trung Quốc gọi chiến tranh thương mại của Mỹ là “khủng bố kinh tế”
Bắc Kinh tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong cuộc chiến thương mại căng thẳng chưa có hồi kết với Washington
Kích động mâu thuẫn thương mại là "chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi", một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc phát biểu ngày 30/5. Tuyên bố này một lần nữa thể hiện quan điểm cứng rắn của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại căng thẳng chưa có hồi kết với Washington.
Theo tin từ CNBC, phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui nói rằng nước này phản đối việc sử dụng "những cây gậy lớn" như trừng phạt thương mại, thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ.
"Chúng tôi phản đối chiến tranh thương mại nhưng không sợ chiến tranh thương mại. Việc kích động mâu thuẫn thương mại có chủ đích như thế này chính là chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi", ông Zhang trả lời khi được hỏi về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Vị Thứ trưởng nói thêm rằng chiến tranh thương mại gây mất mát cho tất cả. "Xung đột thương mại này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đối với phát triển và phục hồi kinh tế toàn cầu", ông Zhang nói thêm.
"Chắc chắn, chúng tôi sẽ giải quyết tốt tất cả mọi thách thức bên ngoài, làm tốt công việc của mình, phát triển được nền kinh tế của mình, và tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân", ông Zhang phát biểu. "Ngoài ra, chúng tôi có niềm tin, có quyết tâm và khả năng bảo vệ chủ quyền, an ninh, niềm tự tôn, và các lợi ích về phát triển của mình".
Từ khi đàm phán Mỹ-Trung rơi vào bế tắc sau vòng đàm phán hồi đầu tháng 5 ở Washington, Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ Mỹ. Không chỉ các quan chức Trung Quốc đưa ra phát biểu chỉ trích Mỹ, mà truyền thông Trung Quốc cũng liên tục đăng những bài viết phê phán Washington.
Hôm thứ Năm, một biên tập viên truyền hình quốc gia Trung Quốc và một người dẫn chương trình kênh truyền hình Mỹ Fox Business đã có cuộc tranh luận trực tiếp chưa từng có tiền lệ về xung đột thương mại Mỹ-Trung trên sóng kênh Fox.
Gần đây, Trung Quốc đã phát tín hiệu có thể sử dụng vị thế nhà cung cấp đất hiếm chính của Mỹ để làm đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại.
Ngày thứ Năm, tờ Trung Quốc Nhật báo nói rằng "sẽ là ngây thơ nếu tin rằng Trung Quốc không có công cụ nào khác để đáp trả ngoài đất hiếm".
"Như các quan chức Trung Quốc đã nói, Trung Quốc có một ‘hộp công cụ’ đủ lớn để giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh từ căng thẳng thương mại leo thang. Và Trung Quốc sẵn sàng đáp trả bằng bất kỳ giá nào", bài xã luận có đoạn.
Tại một diễn đàn ở Bắc Kinh, ông Wang Zhaoxing, Phó chủ tịch cơ quan giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, nói rằng trong 4 thập kỷ qua, cải cách kinh tế của Trung Quốc đã chứng tỏ "cởi mở mang lại tiến bộ, đóng cửa gây ra thụt lùi".
"Không thể phủ nhận rằng toàn cầu hóa kinh tế hiện nay đã vấp phải một số vấn đề và thách thức mới. Tuy nhiên, giải pháp không phải là quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương", ông Zhang phát biểu.