07:00 07/08/2019

Trung Quốc khuyên người biểu tình Hồng Kông không “đùa với lửa”

An Huy

“Những kẻ đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu rụi”, Chính phủ Trung Quốc cảnh báo người biểu tình ở Hồng Kông

Một cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình trên đường phố Hồng Kông ngày 5/8 - Ảnh: Reuters.
Một cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình trên đường phố Hồng Kông ngày 5/8 - Ảnh: Reuters.

Trung Quốc ngày 6/8 kêu gọi người dân Hồng Kông chống lại những người biểu tình đang thách thức chính quyền, sau khi cuộc tổng đình công diễn ra vào ngày thứ Hai gây hỗn loạn giao thông, bạo lực, đụng độ và hàng trăm chuyến bay bị hủy.

Theo tin từ Bloomberg, trong một cuộc họp báo về vấn đề Hồng Kông diễn ra tại Bắc Kinh, người phát ngôn Yang Guang của Văn phòng Quan hệ Hồng Kông và Macau thuộc Chính phủ Trung Quốc tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam và nói rằng những nỗ lực nhằm buộc bà Lam phải từ chức sẽ thất bại.

Ông Yang kêu gọi người dân Hồng Kông "đứng vững và bảo vệ tổ quốc tươi đẹp của chúng ta", đồng thời dẫn chứng một số ví dụ về người dân địa phương chỉ trích người biểu tình.

"Chúng tôi muốn được nói rõ điều này với một nhóm rất nhỏ những phần tử phạm tội vô liêm sỉ và hung dữ, cùng những thế lực bẩn hậu thuẫn chúng", ông Yang nói. "Những kẻ đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu rụi".

Đây là cuộc họp báo thứ hai của Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông, kể từ cuộc họp báo chưa từng có tiền lệ vào tuần trước.

Khi được hỏi về khả năng can thiệp quân sự vào Hồng Kông, ông Yang không bác bỏ, nói rằng Bắc Kinh không bao giờ cho phép bất ổn "vượt quá sự kiểm soát" của chính quyền địa phương cũng như đe dọa đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia.

Phong trào biểu tình ở Hồng Kông nổ ra từ tháng 6 nhằm phản đối dự luật lần đầu tiên cho phép dẫn độ tội phạm từ Hồng Kông sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Trước sức ép quá lớn của người biểu tình, bà Lam đã tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết", nhưng biểu tình vẫn không hề chấm dứt. Người biểu tình tiếp tục kêu gọi xóa bỏ hẳn dự luật và bà Lam phải từ chức.

Giao thông ở Hồng Kông ngày thứ ba đã trở lại bình thường sau khi rơi vào tình trạng hỗn loạn vì đình công ngày thứ Hai. Hãng hàng không Cathay Pacific cho biết đã hủy hơn 140 chuyến bay ra vào Hồng Kông trong ngày đầu tuần. Hãng Hồng Kông Airlines cũng phải hủy 30 chuyến.

Cảnh sát Hồng Kông cho biết đã bắn hơi cay 800 lần, bắn đạn cao su 140 lần, và sử dụng lựu đạn bọt biển 20 lần. Trước đó, cảnh sát cho biết sử dụng hơi cay 1.000 lần để trấn áp người biểu tình trong thời gian từ 9/6-4/8.

Chỉ số MSCI Hong Kong Index giảm 0,6% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, đánh dấu phiên giảm thứ 10 liên tiếp. Lần gần đây nhất chứng khoán Hồng Kông có chuỗi phiên giảm dài đến như vậy là vào tháng 6-7/1984, 5 tháng trước khi Trung Quốc và Anh ký thỏa thuận về trao trả Hồng Kông vào năm 1997.

Khủng hoảng chính trị đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Hồng Kông, gây suy giảm các ngành bán lẻ và du lịch giữa lúc nền kinh tế vốn dĩ đã điêu đứng vì thương chiến Mỹ-Trung. Chính quyền Hồng Kông ngày 5/8 đã cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế nếu biểu tình tiếp diễn.

"Chúng ta đã chứng kiến một số hành vi của người biểu tình thách thức hệ thống ‘một quốc gia, hai chế độ’ và đe dọa chủ quyền quốc gia", bà Lam phát biểu trong cuộc họp báo ngày thứ Hai. "Và tôi dám nói rằng một số người đang tìm cách hủy hoại Hồng Kông và phá hủy hoàn toàn sinh kế của 7 triệu người dân Hồng Kông".

Cả chính quyền Hồng Kông và Chính phủ Trung Quốc đại lục đều chưa có bất kỳ nhượng bộ nào mới với người biểu tình. Bà Lam nói bà không cho rằng nếu bà từ chức thì đó sẽ là giải pháp cho tình trạng bất ổn hiện nay. Bà cũng gọi người biểu tình là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Nghị sỹ đối lập Claudia Mo nói "rất đáng tiếc" khi Chính phủ Trung Quốc coi biểu tình ở Hồng Kông là có mục đích lật đổ.