13:07 26/11/2019

Từ 1/1/2020, địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng có gì thay đổi?

Nhật Dương

Việc điều chỉnh một số địa bàn áp dụng năm 2020 có tác động không lớn trên tổng thể

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một trong những điểm đáng chú ý theo nghị định này là tới đây, sẽ có một số thay đổi trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại một số địa bàn.

Theo đó, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), Tp Bến Tre, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) sẽ được điều chỉnh từ vùng 3 lên vùng 2, áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 3,25 triệu đồng lên 3,92 triệu đồng, tăng 20,62%.

Huyện Đông Sơn, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa); huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An); huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) được điều chỉnh từ vùng 4 lên vùng 3, lương tối thiểu tăng từ 2,92 triệu đồng lên 3,43 triệu đồng, tăng 17,47%.

Trước đó, tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất điều chỉnh lại địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng nêu trên.

Đồng thời, Bộ này cho rằng, việc điều chỉnh nhằm tạo sự cân đối hợp lý về giá nhân công giữa các địa bàn lận cận.

Lý do là các địa bàn trên hiện có thị trường lao động phát triển hơn, hình thành các cụm, khu công nghiệp, điều kiện cơ sở hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, giáp với các địa bàn khác có mức lương tối thiểu vùng cao hơn.

Bên cạnh đó, qua số liệu tổng hợp thì hiện nay có 80 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 1 chiếm 11,22%, có 87 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 2 chiếm 12,2%, 168 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 3 chiếm 23,56% và 378 địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng 4, chiếm 53,02%.

Vì vậy, việc điều chỉnh một số địa bàn áp dụng năm 2020 có tác động không lớn trên tổng thể.

Cũng theo số liệu điều tra 2.000 doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, trong năm 2019 mức lương bình quân thấp nhất doanh nghiệp thực trả cho người lao động cao hơn khoảng từ 8 - 12% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2020 dự kiến chủ yếu tác động đến chi phí đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.