14:44 16/07/2019

Tỷ giá USD/VND còn giảm đến đâu?

Đào Hưng

Từ cuối tháng 6 cho tới nay, tỷ giá USD/VND đang có đợt điều chỉnh mạnh

Giá vàng cũng ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD.
Giá vàng cũng ảnh hưởng tới tỷ giá VND/USD.

Như VnEconomy đã đưa tin trước đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã bằng với ngưỡng mua vào của Ngân hàng Nhà nước. Vậy liệu đây đã là giới hạn của đợt biến động này?

Theo ghi nhận từ một thành viên tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã tung một lượng lớn VND ra hệ thống ngân hàng để mua ròng ngoại tệ với mức giá 23.200 VND "ăn" 1 USD, nhằm chặn đà rơi của tỷ giá.

Trên thực tế, trong ngày 15/7, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng nhẹ 1 đồng, chốt ở mức 23.201 VND/USD.

Trong khi đó, tỷ giá tự do tiếp tục giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.180 - 23.210 VND/USD.

Còn tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước niêm yết tăng 4 đồng so với phiên cuối tuần trước ở mức 23.063 VND/USD. Nếu tính theo biên độ +/-3% thì mức trần và sàn của tỷ giá tương ứng sẽ là 23.755 VND/USD và 22.371 VND/USD.

Câu hỏi được quan tâm nhất hiện nay là liệu tỷ giá VND/USD còn có thể giảm đến mức sàn nêu trên không?

VnEconomy đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa về vấn đề trên. Theo ông Nghĩa, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 1,59 tỷ USD nhưng nếu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm rất nhiều và xác định các dự báo về cán cân vãng lai có thể cân bằng hoặc thâm hụt là đúng.

Thời gian tới, dự kiến FED hạ lãi suất, USD sẽ mất giá. Khi đó, đồng VND sẽ tăng giá so với USD nếu không thay đổi.

Tỷ giá USD/VND còn giảm đến đâu? - Ảnh 1.

Tỷ giá USD/VND đang có đợt điều chỉnh mạnh.

Còn nếu thay đổi, để VND neo vào USD, xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ sẽ giảm một chút nhưng sự nghi ngờ về việc giả mạo xuất xứ cũng giảm theo. Đồng thời, khi VND giảm giá so với các đồng tiền khác ngoài USD sẽ tăng cạnh tranh thương mại với các quốc gia ngoài Mỹ.

Hiện nay, phía nhà điều hành rất cẩn trọng về tỷ giá hối đoái theo hướng linh hoạt hơn. Đồng thời cũng khẳng định một thông điệp rõ ràng là phải can thiệp, không cố chấp như trước.

Cùng với mức chặn đà rơi ở 23.200 VND của Ngân hàng Nhà nước, giá USD khó có thể tiếp cận được mức sàn như đã nói trên.

Tuy nhiên, ông Nghĩa đưa ra cảnh báo, nhà điều hành cần thận trọng với việc Việt Nam đã bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách các nước bị theo dõi khả năng thao túng tiền tệ.

Cụ thể, có ba tiêu chí để Mỹ đánh giá một quốc gia có thao túng tiền hay không gồm thặng dư thương mại với Mỹ đạt trên 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP và can thiệp vào ngoại hối một chiều, tức là mua ròng ngoại hối trong sáu tháng liên tiếp với tổng số tương đương 2% GDP.

Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã thỏa mãn hai tiêu chí đầu. Với tiêu chí thứ 3, Việt Nam chưa thỏa mãn khi lượng mua ròng ngoại tệ năm 2018 chỉ tương đương 1,7% GDP. Do đó, việc chặn đà rơi cũng chỉ nên ở chừng mực nhất định.

"Quan trọng nhất không phải là đối chọi với việc bao nhiêu VND ăn 1 USD mà đối chọi với Mỹ", ông Nghĩa nhận định.

Ngoài ra, vị chuyên gia trên cũng cho rằng, tỷ giá VND/USD sẽ phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến giá vàng. Bởi lẽ, giá vàng thế giới tăng thì giá vàng Việt Nam cũng tăng, nếu không tăng thì lượng ngoại tệ đổ về thông qua con đường buôn lậu vàng sẽ khó lường.