Tỷ phú Trung Quốc mất 2,8 tỷ USD trong một ngày
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2018 với khoản lỗ gần 360 triệu USD khiến giá cổ phiếu của Pinduoduo sụt 17%, mức giảm mạnh nhất từ khi lên sàn vào năm ngoái
Tài sản của Colin Huang, người sáng lập trang thương mại điện tử Pinduoduo Inc. (PDD) vừa sụt tới 2,8 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ của hãng này chứng kiến mức giảm mạnh nhất từ khi lên sàn.
PDD, có trụ sở tại Thượng Hải, báo doanh thu quý 4/2018 tăng gấp 4 lần, nhưng lại lỗ 2,4 tỷ Nhân dân tệ (358 triệu USD). Cùng kỳ năm trước, công ty này vẫn báo lãi dù không nhiều. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu của PDD đã giảm 17% trong phiên giao dịch ngày 13/3, mức giảm mạnh nhất kể từ khi lên sàn vào năm ngoái. Theo đó, tài sản của Huang giảm từ 15,8 tỷ USD xuống còn 13 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Huang bắt đầu sự nghiệp với vị trí kỹ sư tại Google, trước khi thành lập PDD vào năm 2015 trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đang bị chiếm lĩnh bởi các ông lớn như Alibaba, JD.com. Tuy nhiên, Huang tạo khác biệt bằng việc phát triển một ứng dụng di động với những đặc điểm giống như game và giảm giá cho những người mua hàng theo nhóm qua các mạng xã hội như WeChat. PDD nhanh chóng trở thành hãng thương mại điện tử lớn thứ 3 tại Trung Quốc, sau Alibaba và JD.com Inc.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều đối thủ của PDD cũng đang áp dụng chiến lược giảm giá theo nhóm, mở rộng sang các thành phố cấp thấp hơn và phát triển mạnh với hệ thống giao hàng tốt hơn cũng như tiềm lực tài chính tốt hơn. Khoản lỗ của PDD tăng lên do công ty này phải chi mạnh vào quảng cáo và công nghệ nhằm tăng thị phần.
"Ngày càng nhiều công ty thương mại điện tử nhắm tới các thành phố cấp thấp và họ cũng đang cố gắng sao chép những gì mà PDD đang làm. Tuy nhiên, theo tôi, những động thái lớn từ các đối thủ đang giúp gia tăng kích thước của chiếc bánh thị phần", Huang nói trong một cuộc đàm thoại với các nhà đầu tư. "Chúng ta cũng có thể thấy người dùng truy cập nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn trên nền tảng của chúng ta. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy họ đang hài lòng hơn với những dịch vụ của chúng ta".
PDD cho biết công ty này không vội kiếm tiền bởi vẫn cần phải chứng minh giá trị của công ty đối với người mua sắm cũng như nhà cung cấp và chiến lược này có thể ảnh hưởng tới doanh thu trong tương lai gần.
Một trong những nhà đầu tư lớn của PDD là Tencent Holdings - công ty mẹ của WeChat, với hơn 3 tỷ USD đã rót vào công ty này.
"Chúng tôi dự báo doanh thu và người dùng của PDD vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững", Natalie Wu, nhà phân tích của CICC, nói trong một báo cáo gửi khách hàng, trước khi PDD công bố kết quả kinh doanh.
Dù kinh tế Trung Quốc giảm tốc, trọng tâm vào giá rẻ sẽ giúp PDD giành được nhiều khách hàng hơn, bất chấp việc họ có xu hướng "thắt lưng buộc bụng", Wu nhận định.
Tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của PDD đã tăng gấp 3 lần lên 471,6 tỷ Nhân dân tệ (70,1 tỷ USD) trong năm 2018. Số lượng người dùng ứng dụng này ít nhất một lần trong năm 2018 đã tăng 71% lên 418,5 triệu người, từ mức 224,8 triệu người vào năm trước.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh, PDD cho biết các khoản chi phí chủ yếu được dùng để xây dựng thương hiệu cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến, đặc biệt là vào ngày lễ mua sắm Độc thân (Singles' Day) và dịp năm mới.
Trong quý 4 năm ngoái, PDD đã chi 6,02 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 895 triệu USD) cho hoạt động bán hàng và marketing. Trong khi đó, Alibaba chi 12,1 tỷ Nhân dân tệ (gần 1,8 tỷ USD) cho hoạt động này cùng kỳ.
Tian Xu, phó chủ tịch phụ trách tài chính của PDD, cho biết chi phí bán hàng và marketing năm 2019 sẽ là "cơ hội" chứ không liên quan tới bất kỳ sự tăng lên nào của tổng giá trị hàng hóa giao dịch và sẽ cần thời gian để PDD tăng độ nhận diện thương hiệu với người dùng. "Chúng tôi sẽ đầu tư để đạt được mục tiêu này", Xu nói.
Tính đến ngày 31/12/2018, PDD có 3,6 triệu nhà cung cấp, tăng từ 1 triệu vào tháng 3/2018. Nỗ lực gọi vốn hồi tháng 2 của công ty này mang về khoản vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.