Ưu tiên vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và chính sách, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ
Xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên được ngành ngân hàng tập trung đầu tư vốn tín dụng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2019, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn.
Phát triển nông nghiệp nông thôn luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong suốt những năm qua. Vậy, với vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế, ngành ngân hàng đã có những đóng góp như thế nào về cơ chế, chính sách cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, thưa ông?
Nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đã được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Đây cũng là lĩnh vực được ngành ngân hàng quan tâm và có nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển.
Trong những năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên tập trung đầu tư vốn tín dụng, cụ thể: chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn cho lĩnh vực này; yêu cầu các tổ chức tín dụng cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân... Ngân hàng Nhà nước cũng xây dựng cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này, ví như: Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015...
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam như: lúa gạo, thủy sản, cà phê; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân nông thôn, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để đưa vốn đến tận người dân một cách hiệu quả nhất, giúp hàng triệu hộ nông dân được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ngân hàng.
Vậy, những kết quả cụ thể từ việc triển khai các giải pháp, chính sách nói trên ra sao, thưa ông?
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay đã có khoảng 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung nền kinh tế. Đến cuối tháng 12/2018 dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 25% dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Kết quả đầu tư tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, qua đó đóng góp tạo ra mức tăng GDP của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (năm 2018 tăng 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2018).
Qua thực tế triển khai cho vay nông nghiệp nông thôn, xin ông cho biết, đâu là những khó khăn và vướng mắc đang ảnh hưởng đến việc đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?
Bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế việc đầu tư tín dụng của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn một số khó khăn, vướng mắc như nông nghiệp là một trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro như bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được triển khai mạnh mẽ.
Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý; trình độ chế biến sâu còn hạn chế nên giá trị gia tăng thấp. Các mô hình liên kết số lượng còn ít, chưa hiệu quả do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến do ý thức chưa cao và chế tài chưa nghiêm, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định, tình trạng mất cân đối cung cầu sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp thường diễn ra, trong khi công tác phân tích, dự báo thị trường cũng như quy hoạch còn bất cập.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp, hộ dân chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bài bản, hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi sẽ tạo áp lực trong quản lý rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Vậy đâu là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này, thưa ông?
Để đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn thực sự hiệu quả, cùng với các chính sách và giải pháp của ngành ngân hàng, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và bản thân các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trong triển khai đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, khẩn trương triển khai đồng bộ các chính sách đã được Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013; Nghị định 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp; Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Thứ hai, đối với một số bộ ngành liên quan cần đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, nghiên cứu, triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Thứ tư, các địa phương cần quan tâm chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp; chủ động triển khai, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để người dân có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp vay vốn để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp có tài sản bảo đảm thế chấp vay vốn ngân hàng.
Thứ năm, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp cần chủ động tiếp cận đánh giá nhu cầu thị trường, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để tăng khả năng tiếp cận vốn vay tại các tổ chức tín dụng.
Với những kết quả đạt được trong đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, xin ông cho biết định hướng của Ngân hàng Nhà nước đối với khu vực này trong thời gian tới?
Trong năm 2019, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân, thông qua đó, cũng góp phần giảm nạn tín dụng đen hiện nay tại khu vực này.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên, theo đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực này; hoàn thiện và bổ sung một số cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân.
Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, cung ứng các sản phẩm tiện tích ứng dụng công nghệ mới phù hợp với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt là đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, giúp tăng giá trị gia tăng trong sản xuất, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn và chuyển tải vốn đến người nông dân một cách hiệu quả nhất.