Vì sao hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long không lớn lên nổi?
Các hợp tác xã tại Đồng bằng sông Cửu Long gần như bị "bỏ rơi" và phải "tự bơi" để tự cứu mình
Hệ thống các hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế toàn vùng, nhưng từ trước đến nay, các hợp tác xã này gần như bị "bỏ rơi" và phải "tự bơi" để tự cứu mình.
Có đến khoảng 70% hợp tác xã ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động hiệu quả ở mức trung bình hoặc yếu kém. Điều các hợp tác xã thiếu không phải là định hướng sản xuất và đầu ra sản phẩm, mà là thiếu một chính sách hỗ trợ đầu tư và liên kết tạo thành chuỗi, nhất là trong điều kiện phải thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết 120/CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, đặt nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải phát triển kinh tế hợp tác để nâng cao giá trị nông sản. Sau đó là Quyết định 445/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau thời gian thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, những chuyển biến trong tư duy và hành động của nông dân, ngành chức năng và các địa phương đã góp phần hình thành những hợp tác xã kiểu mới, hướng đến các mô hình sản xuất "thuận thiên".
Với quyết tâm "thay áo mới" cho mô hình hợp tác xã kiểu cũ, nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuộc rất quyết liệt. Tại Kiên Giang, năm 2016 có 30.000 ha đất bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Tỉnh này đã hỗ trợ 252 hợp tác xã nông nghiệp phát triển theo hướng điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích với tổng diện tích trên 100.000 ha.
Cà Mau bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất, đất đai ngày càng thu hẹp do sạt lở, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tỉnh này triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân thành lập hợp tác xã kiểu mới, xem như giải pháp lớn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Ngoan xác nhận: các hợp tác xã là mắt xích quan trọng trong chuỗi ngành hàng, là giải pháp duy nhất để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, các hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải gánh vác sứ mệnh nặng nề là tổ chức lại sản xuất trên diện tích 1,7 triệu ha trồng lúa, 300.000 ha cây ăn trái và 700.000 ha nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên lại thiếu chính sách đầu tư hỗ trợ, nguồn nhân lực, không chỉ yếu mà còn bị "già hóa", trình độ kém, hạ tầng yếu kém. Tỉnh An Giang từng có đề án phát triển hợp tác xã kiểu mới, đưa 100 kỹ sư phát triển nông thôn về làm "giám đốc" hợp tác xã,...
Thế nhưng, do đầu tư không tới, "giám đốc trẻ nói, lớp già không nghe" nên chương trình bị phá sản. Có thể thấy, điểm nghẽn lớn nhất đối với các hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long là không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, các hợp tác xã phải tự xoay xở nên khó phát triển.
Ngoài ra, muốn phát triển phải hình thành chuỗi liên kết. Đồng bằng sông Cửu Long không thiếu những doanh nghiệp đầu tàu trong các lĩnh vực như xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản, nhưng lại vắng bóng các tổ chức nông dân liên kết, vì vậy không hình thành được chuỗi.
Là vùng sản xuất hàng hóa lớn nhất nước, Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 90% sản lượng gạo, 50% sản lượng trái cây, 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu cho cả nước. Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu tác động nặng nhất của biến đổi khí hậu (gây sạt lở, hạn hán, xâm mặn, ô nhiễm môi trường, mất đất...), làm đảo lộn cuộc sống, đẩy người dân vào cảnh khó khăn, số hộ nghèo tăng cao.
Bài toán phát triển hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long đang cấp bách đòi hỏi tháo gỡ những vướng mắc, không chỉ về phương thức sản xuất mà là chính sách đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về vốn, nguồn nhân lực và sự liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi.