Vì sao Tp.HCM có thể sắp được “đặc thù” thuế, phí?
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, việc quy định các thứ thuế do Quốc hội quyết định
Như VnEconomy đã thông tin, Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội cho Tp.HCM được thí điểm hàng loạt cơ chế đặc thù từ 2018.
Trong đó, rất đáng chú ý là những cơ chế về quản lý tài chính, ngân sách.
Như, thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí...
Tại tờ trình mới được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Chính phủ giải thích, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 việc quy định các thứ thuế do Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, do đây là cơ chế thí điểm, chỉ áp dụng trên địa bàn Tp.HCM và trong giới hạn, thời gian nhất định, nên trình Quốc hội ban hành nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, nhất là đối với thuế tài sản.
Đồng thời, Nghị quyết số 25/2016/QH13 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 có đề ra giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, nghiên cứu bổ sung thuế tài sản phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
Như vậy, có thể nghiên cứu thuế tài sản để Tp.HCM thí điểm thực hiện trước và sẽ được tổng kết đánh giá, xây dựng luật trình Quốc hội quyết định để áp dụng trên địa bàn cả nước, Chính phủ lập luận.
Chính phủ cũng cho biết: đối với thẩm quyền ban hành phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục Luật Phí và lệ phí quy định: giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các phí, lệ phí, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Với những đề xuất cho phép được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ hạ tầng, tăng chi đầu tư mua sắm, chi thu nhập tăng thêm, Chính phủ cũng nêu lý do.
Đó là, nghị quyết của Đảng và Quốc hội quy định: các địa phương phải tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, đối với các địa phương có nguồn còn dư sau khi thực hiện cải cách tiền lương phải chuyển nguồn để tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương cho thời kỳ tiếp theo.
Trong thời gian qua, Tp.HCM là địa phương không những luôn tự đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định, mà còn dư nguồn khá lớn. Vì vậy, để chủ động cho thành phố và tránh lãng phí nguồn lực, cho phép thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện một số nhiệm vụ như trên.
Liên quan đến đề xuất tăng mức dư nợ lên 90%, tờ trình nêu: theo quy định hiện hành mức dư nợ vay của Tp.HCM không quá 70% thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Việc tăng giới hạn mức dư nợ vay sẽ tạo điều kiện cho thành có thêm dư địa huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đồng thời, việc tăng giới hạn dư nợ vay vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép, vì kết hợp với quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách của thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Chính phủ cũng đề xuất hằng năm, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố tương ứng 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100%...
Cho biết Luật Ngân sách Nhà nước không quy định nội dung này, song Chính phủ lý giải nghị định số 48/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nội dung nêu trên. Tuy nhiên, việc bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu của ngân sách Trung ương so dự toán cho thành phố có quy định thêm điều kiện so với dự thảo nghị quyết là tổng thu ngân sách Trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định, thì mới xem xét bổ sung một phần không quá 70% khoản tăng thu ngân sách Trung ương cho thành phố so với quy định trên.