15:56 09/06/2019

Vicem xin bán "tòa nhà điều hành" 31 tầng đang xây dựng

Lan Ca

Việc bán trung tâm điều hành Vicem đang xây dựng nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đang xây dựng dang dở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đang xây dựng dang dở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng (Vicem) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc triển khai chuyển nhượng dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, theo phương án "chuyển nhượng toàn bộ dự án".

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có diện tích đất xấp xỉ 8.500 m2. Năm 2010, Hội đồng thành viên Vicem đã quyết định đầu tư trung tâm điều hành hoạt động của Vicem kết hợp với kinh doanh cho thuê văn phòng, thương mại cao 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn 81.000 m2 tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.

Tổng mức đầu tư xây trụ sở ban đầu được duyệt 1.951 tỷ đồng, sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên 2.743 tỷ đồng.

Dự án được khởi công vào tháng 5/2011, đến hết năm 2018 đã hoàn thành thi công xây lắp toàn bộ kết cấu phần ngầm và phần thân công trình theo thiết kế và đang tiếp tục thực hiện gói thầu số 24 "cung cấp, lắp dụng hệ thống kính, đá trang trí mặt ngoài công trình", với tổng chi phí đã thực hiện đầu tư đến nay khoảng 1.430 tỷ đồng bằng vốn tự có của Vicem.

Vicem cho biết, việc bán trung tâm điều hành Vicem đang xây dựng nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn đầu tư đối với các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính.

Chủ trương này cũng được cơ bản các bộ, ngành liên quan (như Xây Dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, UBND Tp. Hà Nội) đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Vicem bán trụ sở và việc bán trụ sở của Vicem phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và thu lại lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Trong đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu - Bộ Xây dựng - trong văn bản mới đây đã yêu cầu Vicem rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167 của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.

Ngoài ra, Vicem cũng đã báo cáo Bộ Xây dựng việc tìm nhà đầu tư mua lại trụ sở. Đồng thời Vicem cũng đã thuê Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam đánh giá, đề xuất phương án xử lý dự án. Trên cơ sở đó, Vicem đã đề xuất với Bộ Xây dựng phương án chuyển nhượng toàn bộ dự án.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), theo đó doanh thu thuần năm 2018 của Vicem đạt 27.867 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017, lợi nhuận gộp của Vicem đạt 4.907 tỷ đồng, tăng 6,3%.

Năm 2018 Vicem ghi nhận 161 tỷ đồng doanh thu tài chính (phần lớn là lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 67%; trong khi ghi nhận 985 tỷ đồng chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay), giảm 34%. Tổng công ty này cũng ghi nhận 1.080 tỷ đồng chi phí bán hàng và 1.096 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tương đương năm 2017.

Kết thúc năm 2018, Vicem ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.389 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017.

Mặc dù có kết quả kinh doanh khả quan như vậy, nhưng trong năm 2018, trong một báo kết quả tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2017 của Vicem được Bộ Tài chính công bố đã tiết lộ hàng loạt các công ty con của Vicem làm ăn thua lỗ.

Một số công ty con của Vicem lỗ hoặc có số lỗ lũy kế lớn như Công ty Vicem Xi măng Tam Điệp, Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, Sông Thao, Sông đà 12,….

Cụ thể, tại Công ty Vicem xi măng Tam Điệp, năm 2017 doanh thu đạt 1.308 tỷ đồng (bằng 85% so với năm 2016), lợi nhuận 3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017 vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.189 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 1.117 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 72 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 24 lần, hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 0,32.

"Công ty đã mất gần hết vốn, mất an toàn về tài chính nghiêm trọng và không đảm bảo khả năng thanh toán nợ, hoạt động của công ty hoàn toàn phụ thuộc và các khoản vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ", báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.

Hay Công ty Vicem xi măng Hải Phòng, trong năm 2017 doanh thu đạt 1.677 tỷ đồng (bằng 93% so với năm 2016), lợi nhuận đạt 46 tỷ đồng, bằng 62% năm 2016. Tại thời điểm ngày 31/12/2017, công ty còn số lỗ lũy kế là 240 tỷ đồng, vốn đầu tư của chủ sở hữu là 1.021 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu đã giảm xuống còn 784 tỷ đồng. Công ty cũng được đánh giá là không bảo toàn được vốn, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thấp (0,51), việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn cho thấy công ty mất cân đối về tình chính...