17:19 27/05/2019

Việt Nam chi gần 4,4 tỷ USD nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc

Duyên Duyên

Hiện, nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc chiếm đến gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam

Riêng tháng 4/2019, Việt Nam nhập khẩu 1,1 tỷ USD mặt hàng này từ Trung Quốc, tăng gần 34% so với tháng 4/2018. Ảnh minh hoạ
Riêng tháng 4/2019, Việt Nam nhập khẩu 1,1 tỷ USD mặt hàng này từ Trung Quốc, tăng gần 34% so với tháng 4/2018. Ảnh minh hoạ

Việt Nam đã nhập khẩu gần 4,4 tỷ USD máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong số các mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong nửa đầu tháng 5/2019 thì máy móc thiết bị dụng cụ, phụ tùng là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn chỉ đứng thứ hai sau máy vi tính, sản phẩm và điện tử.

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đạt 1,6 tỷ USD trong nửa đầu tháng 5. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 13,24 tỷ USD.

Còn nếu tính đến hết tháng 4/2019 thì kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cũng lên đến 11,57 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ yếu cung cấp sản phẩm này cho Việt Nam, khi chiếm đến gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng.

Nguyên nhân có thể một phần là do vị trí và khoảng cách địa lý không xa với Việt Nam, thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa sang Việt Nam

Cụ thể hơn, nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Trung Quốc đạt 4,36 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 29,13% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, riêng tháng 4/2019, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,1 tỷ USD mặt hàng này từ Trung Quốc, tăng gần 34% so với tháng 4/2018.

Thị trường cung cấp lớn đứng thứ hai là Hàn Quốc với kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD, tăng 12,18% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xếp thứ ba là Nhật Bản với 1,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, nhập khẩu máy móc, thiết bị từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng rất mạnh trong 4 tháng qua, với mức tăng gần 130% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 25,48 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu mặt hàng này từ thị trường Nga, với mức giảm 88,33%.