15:34 19/01/2019

“Việt Nam chưa hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”

Bình Minh

Giám đốc đầu tư của Dragon Capital cho rằng lợi ích từ chiến tranh thương mại đối với Việt Nam hiện còn ở mức thấp

Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư Dragon Capital.
Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư Dragon Capital.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đe dọa ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhiều chuyên gia dự báo nhiều quốc gia khác có thể hưởng lợi thông qua bán được nhiều hàng hóa hơn cho hai nước này.

Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung là một trong những nền kinh tế được dự báo hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư công ty quản lý tài sản Dragon Capital, nhận định rằng cho đến thời điểm hiện tại, lợi ích từ chiến tranh thương mại đối với Việt Nam còn ở mức thấp.

"Còn hơi sớm để Việt Nam hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại", ông Stoops nói.

Cơ sở để giới chuyên gia dự báo Việt Nam hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là chi phí sản xuất thấp. Những báo cáo gần đây cho thấy một số công ty đã bắt đầu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh hàng rào thuế quan do Mỹ dựng lên đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự điều chỉnh chuỗi cung ứng này trong dài hạn, theo ông Rob Koepp, Giám đốc mạng lưới của Economist Corporate Network.

"Việt Nam có vẻ như sẽ trở thành một công xưởng sản xuất mới thay thế cho Trung Quốc, vì nhiều lý do. Và Việt Nam sẽ hưởng lợi, trong dài hạn", ông Koepp nói với CNBC.

Các doanh nghiệp có thể vấp phải những hạn chế về hậu cần trong việc dịch chuyển và xây dựng cơ sở mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty ở Việt Nam thời gian gần đây đã nhận được lượng đơn hàng mới gia tăng, dẫn tới hoạt động sản xuất tăng lên - theo ông Stoops.

"Chúng tôi đã bắt đầu thấy có những đơn hàng xuất khẩu lớn, trong những ngành như thủy hải sản, nội thất và dệt may", ông Stoops cho hay. "Tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục, vì các công ty bắt đầu có sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc".

"Sự dịch chuyển đó chưa diễn ra ngay, nhưng chắc chắn là đang được chuẩn bị. Và chúng tôi bắt đầu thấy hơi hướng của sự dịch chuyển thông qua những đơn hàng xuất khẩu mới".

Theo ông Stoops, các nhà đầu tư không thể rót vốn trực tiếp vào sự dịch chuyển thương mại nói trên, bởi không có nhiều công ty xuất khẩu trong các lĩnh vực hưởng lợi được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, nhà đầu tư này nói rằng chứng khoán Việt Nam vẫn có cơ hội tăng tốt.

"Đối với Dragon Capital, chúng tôi vẫn quan tâm hơn cả đến nền kinh tế trong nước", ông nói.

Các công ty niêm yết của Việt Nam có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt và có hệ số giá/thu nhập (P/E) hiện ở mức khoảng 12 lần, thấp hơn so với tại các quốc gia láng giềng - ông Stoops phát biểu.

Ngoài ra, quản trị doanh nghiệp đang được cải thiện và Việt Nam có ổn định chính trị, tiền lương rẻ, và "cấu trúc dân số hoàn hảo", ông Stoops nhấn mạnh.

Theo ông Stoops, biến động thị trường là một nguyên nhân khiến việc bán cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và hoạt động lên sàn của các doanh nghiệp tại Việt Nam có phần chững lại trong năm ngoái. Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà đầu tư có thể kỳ vọng Việt Nam có thêm các hoạt động cải tổ doanh nghiệp trong quý 2-3/2019.