20:46 26/08/2019

Việt Nam muốn tăng kim ngạch thương mại với Botswana

Hà Minh

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Botswana mới chỉ dừng ở trao đổi thương mại với kim ngạch song phương còn rất thấp, chỉ đạt 47,8 triệu USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cộng hòa Botswan - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cộng hòa Botswan - Ảnh: VGP.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều 26/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cộng hòa Botswana Unity Dow lần đầu tiên đến thăm Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng hy vọng chuyến thăm lần này không chỉ vun đắp mà còn mở ra thời kỳ mới, tạo ra xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Botswana trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tiềm năng hợp tác giữa hai nước là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực có thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản, giáo dục, y tế... Song kết quả hợp tác đạt được còn rất khiêm tốn, hợp tác kinh tế mới chỉ dừng ở trao đổi thương mại với kim ngạch song phương còn rất thấp, chỉ đạt 47,8 triệu USD. Khuôn khổ pháp lý cho hợp tác còn thiếu.

Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Botswana mạnh mẽ hơn nữa, nhất là tăng mạnh kim ngạch thương mại song phương, Thủ tướng bày tỏ.

Để khai thác tối đa tiềm năng hợp tác to lớn đó, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường khung khổ pháp lý về kinh tế, đầu tư để đẩy mạnh hợp tác trước hết trên các lĩnh vực này. Thủ tướng mong hai nước phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; đề nghị Botswana, với uy tín của mình tại châu lục và khu vực ủng hộ và hỗ trợ thúc đẩy việc thiết lập quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Phi (AU); làm cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ với Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để Botswana tiếp cận và mở rộng hợp tác với các nước ASEAN.

Thủ tướng cũng đề nghị Botswana tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Botswana, ưu tiên những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, chất lượng tốt và Botswana có nhu cầu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử...

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Botswana nêu rõ, là thành viên của AU, SADC, với uy tín của mình, Botswana sẽ nỗ lực giúp Việt Nam tiếp cận với các nước thành viên, cũng như đẩy mạnh hợp tác trong Phong trào Không liên kết. Botswana có quan điểm kết bạn càng nhiều càng tốt, nhất là bạn bè tin cậy, hiểu mình như Việt Nam. Bà khẳng định, Botswana mong muốn tăng cường hợp tác thực chất với Việt Nam trên các lĩnh vực.