12:37 23/04/2021

Vietcombank phát hành thêm 1,3 tỷ cổ phiếu, nâng vốn lên 50,4 nghìn tỷ đồng

Nguyễn Hoài

Năm 2021 và có thể cả 2022, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) triển khai 2 đợt tăng vốn, đưa nhà băng này "vượt mặt" BIDV về mức vốn điều lệ

Ngày 23/4/2021, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank thông qua tờ trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2021.

Theo đó, phương án tăng vốn điều lệ được chia làm 2 phần.

Phần 1, phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Với mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm là 1.023.650.175 đơn vị, tương ứng tổng giá trị theo mệnh giá: 10.236.501.750.000 đồng. Vốn điều lệ của nhà băng này trước khi phát hành là 37.088.774.480.000 đồng, dự kiến tăng sau khi phát hành là 47.325.276.230.000 đồng.

Phần 2, được thực hiện sau khi hoàn thành phần 1, ngân hàng tiếp tục tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán; tương ứng 307.614.295 cổ phần. Đối tượng mua có thể là đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản nếu ngân hàng này muốn tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ và/hoặc các nhà đầu tư khác.

Mức vốn điều lệ dự kiến trước khi chào bán là 47.325.276.230.000 đồng và sẽ tăng thêm 3.075.142.950.000 đồng, đưa mức vốn điều lệ sau 2 phần lên 50.401.419.180.000 đồng.

Nếu Vietcombank tăng vốn thành công lần này, sẽ soán ngôi "đầu bảng" của BIDV về vốn điều lệ của các ngân hàng tại Việt Nam. Hiện nay, BIDV đang có vốn điều lệ là 40.200 tỷ đồng, dự kiến tăng lên 48.500 tỷ đồng (tăng 20,6%) trong 2 năm 2021 và 2022 (theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021). 

Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cho biết: nếu 2021 không hoàn thành việc tăng vốn nêu trên, sẽ kéo dài sang 2022.

Ngoài ra, trong trường hợp Mizuho Nhật Bản muốn mua cổ phần tăng tỷ lệ sở hữu lên 20%, ngân hàng này được quyền đề cử thêm một ứng viên vào Hội đồng quản trị, nếu Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và kèm theo các thoả thuận hợp tác kinh doanh với Vietcombank.

Kết thúc năm 2020 so với 2019, huy động vốn Vietcombank đạt 1.053.354 tỷ đồng, tăng 10,9%; tỷ trọng vốn CASA 32,1% tăng nhẹ so với 30,1% của 2019 (xếp thứ 2 sau Techcombank); dư nợ tín dụng đạt 845.128 tỷ đồng, tăng 14%, tỷ lệ LDR (cấp tín dụng trên huy động vốn thị trường 1) đạt 75%, mức thấp nhất tương đương Agribank trong số 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối.

Nợ xấu của Vietcombank chỉ 0,62%, giảm so với mức 0,73% vào cuối 2019; quỹ dự phòng rủi ro bao nợ xấu tới 368%, nghĩa là 1 đồng nợ xấu, có 368 đồng bao phủ dự phòng; lợi nhuận trước thuế đạt 23.050 tỷ đồng; hệ số CAR theo  Thông tư 41 đạt 9,56%, tăng 0,22% so với 2019. Quy mô vốn hoá ngân hàng lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết với mức 15,7 tỷ USD.

Năm 2021, ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25 nghìn tỷ đồng. Con số này đã được điều chỉnh theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước sau khi tham vấn Bộ Tài chính; tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức 8%.