Viettel Global "chuyển dịch" đầu tư về ASEAN
Đầu tư vào các nước ASEAN, tóm lại, là khó khăn hơn rất nhiều so với các nước thuộc khu vực châu Phi
Trong định hướng hoạt động năm 2018 đã được Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội - Viettel) đặt ra là hướng trọng tâm đầu tư về các nước thuộc khu vực ASEAN.
Cụ thể, Viettel Global cho biết, năm nay, công ty sẽ tiếp tục xúc tiến thị trường mới, trong đó, trọng tâm là các nước thuộc khu vực ASEAN và các thị trường có quy mô lớn về dân số, trong đó đầu tư được 1-2 thị trường có quy mô dân số lớn tương đương với Việt Nam.
Nếu xét riêng thị trường ASEAN, ngoài các nước Lào, Campuchia đang kinh doanh, cộng với thị trường Myanmar (quy mô dân số khoảng 54 triệu người) mà Viettel Global đã triển khai đầu tư, xây dựng được hơn một năm và chuẩn bị đưa vào khai thác, các thị trường còn lại có quy mô dân số tương đương Việt Nam hoặc lớn hơn thì chỉ còn Philippines dân số hơn 102 triệu người và Indonesia có quy mô dân số gần gấp 3 Việt Nam, với 260 triệu người (số liệu năm 2017).
Những năm trước đây, trọng tâm đầu tư của tập đoàn Viettel (công ty thành viên đảm trách là Viettel Global) là các nước ở châu Phi, nơi vốn được xem có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân vào dạng thấp của thế giới, những quốc gia có địa hình không thuận lợi, bất ổn về chính trị… bởi triết lý, như lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, trong một lần trả lời VnEconomy, rằng "những nơi dễ thì không còn nữa".
Trong khi đó, thị trường các nước thuộc ASEAN, ngoài Lào và Campuchia mà Viettel đã đầu tư từ chục năm về trước, một lãnh đạo tập đoàn Viettel cho rằng, về cơ bản đều là những thị trường có mức độ cạnh tranh tương đối cao, nền kinh tế năng động, mức thu nhập bình quân khá, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông cũng lớn…
Nhưng đầu tư vào các nước ASEAN, tóm lại, là khó khăn hơn rất nhiều so với các nước thuộc khu vực châu Phi, cho dù là có thuận lợi hơn nhiều về mặt địa lý hoặc có các thuận lợi về chính sách và mức độ quan hệ do cùng thuộc khối ASEAN.
Một trong những tín hiệu mới nhất của chiến lược đầu tư về ASEAN của Viettel Global là công ty này, năm 2017, đã thông qua chủ trương đầu tư vào thị trường Indonesia và nếu thành công "Viettel sẽ tiến vào thị trường chiếm 70% dân số Đông Nam Á, từ đó, vừa nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, vừa tạo tiền đề để Viettel tiếp tục đầu tư sang các khu vực khác" đã được Viettel Global phân tích.
Dù vậy, việc dịch chuyển trọng tâm trên có thể dẫn đến những suy luận, hoặc là thị trường ở châu Phi không còn nhiều cơ hội, giấy phép viễn thông (còn trống) đã được "lấp đầy", hoặc sau một thời gian dài kinh doanh tại đây, Viettel nhận ra rằng, thị trường ở châu Phi không quá tiềm năng, khả năng sinh lời không cao và cũng có nhiều rủi ro, khó khăn hơn mà Viettel chưa lường hết được đầy đủ.
Điển hình như năm 2015, 2016, những biến động về tỷ giá một cách tiêu cực tại một số quốc gia ở châu Phi đã khiến Viettel Global lỗ hàng nghìn tỷ đồng (lỗ sổ sách, tức nếu Viettel đổi đồng nội tệ sang đồng USD thì sẽ bị lỗ, tuy nhiên tập đoàn này vẫn giữ nguyên đồng nội tệ). Và vì vậy, năm 2017, tỷ giá tại một số nước ở châu Phi đã có những chuyển biến tích cực, nhờ đó, công ty đã "chuyển lỗ thành lãi", ghi nhận mức lãi gộp và doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh mẽ.
Tất nhiên, ngoài những lý do trên, cũng hoàn toàn có thể hiểu, sau hàng chục năm "chinh chiến", Viettel đã đủ kinh nghiệm, đã có vị thế và thương hiệu, để có thể tiếp cận những thị trường có mức độ cạnh tranh cao hơn, khó hơn, nhưng ở đó tiềm năng cao hơn, mà các nước trong khối ASEAN là một đích đến mới.
Theo báo cáo của Viettel Global, năm 2018, dự kiến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của ngành viễn thông thế giới tiếp tục giảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các công ty viễn thông nếu không kiểm soát tốt chi phí và không có giải pháp để tăng trưởng đột phá về doanh thu. Ngoài ra, việc thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ sẽ chủ yếu phụ thuộc vào các dịch vụ, giá trị mạng lại cho khách hàng.
"Các thị trường Viettel Global đầu tư đa phần là các thị trường còn đang phát triển, nhưng lớp khách hàng lại phân hóa rõ rệt, điều đó đòi hỏi phải cá thể hóa các dịch vụ, cung cấp song song nhiều dịch vụ để phục vụ đươc đa số khách hàng trong khi phải tối ưu chi phí", báo cáo của Viettel Global cho biết.