17:30 27/02/2018

Vinamco toan tính gì khi định chi gần 2.000 tỷ thâu tóm cổ phần Hapro?

KIỀU LINH

Hapro làm ăn sa sút nhiều năm, không có vai trò điều tiết trên thị trường, vậy toan tính của Vinamco là gì khi bỏ gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu doanh nghiệp này.

Toan tính gì của Vinamco khi chi gần 2.000 tỷ đồng thâu tóm Hapro?
Toan tính gì của Vinamco khi chi gần 2.000 tỷ đồng thâu tóm Hapro?

Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng. Theo phương án phê duyệt cổ phần hóa diễn ra ngày 30/3 tới đây, Hapro sẽ bán 65% cổ phần cho đối tác chiến lược, 34,51% được bán đấu giá công khai và 0,49% được bán ưu đãi cho người lao động.

Vinamco trở thành cổ đông chiến lược của Hapro?

UBND thành phố Hà Nội mới đây đã có quyết định phê duyệt cho Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - thuộc tập đoàn BRG, tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro trở thành cổ đông chiến lược của Hapro.

Theo phương án cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua 143 triệu cổ phần (tương đương sở hữu 65% Hapro). Giá mua sẽ không thấp hơn mức giá trúng giá tại phiên đấu giá công khai ngày 30/3 sắp tới.

Như vậy, với mức giá khởi điểm (12.800 đồng/cổ phiếu) trong phiên đấu giá công khai, Vinamco dự kiến sẽ phải bỏ ra ít nhất 1.830 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần Hapro.

Vinamco hiện đang vận hành showroom Honda Tây Hồ - một đại lý lớn của Honda Việt Nam tại số 197A - đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trước khi ngỏ ý mua Hapro, Vinamco cũng từng chi 1.250 tỷ đồng  để mua cổ phần Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận tải. Ngoài ra, Vinamco cũng từng ngỏ ý tham gia mua 36% cổ phần của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong năm 2016.

Chi gần 2.000 tỷ đồng mua Hapro, Vinamco toan tính gì?

Hapro là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại mang thương hiệu "vàng son" của Hà Nội. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Hapro không mấy sáng sủa, lúc trồi lúc sụt.

Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2014 doanh thu của Hapro đạt 5.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 278 tỷ đồng. Năm 2015, cùng với đà doanh thu giảm 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận Hapro cũng giảm mạnh còn 21 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận Hapro tăng hơn 40 tỷ đồng, đến năm 2017 lại giảm còn chưa đến 15 tỷ đồng.

Trong một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 cũng cho thấy, tại Hapro, có 7 công ty con lỗ lũy kế 26,9 tỷ đồng, 15 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 94,5 tỷ đồng, 3 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ lũy kế 69,4 tỷ đồng.

Làm ăn sa sút nhiều năm, không có vài trò điều tiết trên thị trường, vậy toan tính của BRG là gì khi bỏ gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu Hapro?

Đó chính là quỹ đất nằm ở vị trí đắc địa mà hiện nay Hapro đang nắm trong tay. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.

undefined - Ảnh 1.

Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành sau cổ phần hóa.

Loạt "đất vàng" mà Hapro nắm giữ sau cổ phần có thể kể đến như: Số 19-21 Đinh Tiên Hoàng diện tích đất 280 m2; số 1 Điện Biên Phủ diện tích đất 500 m2; số 135 Lương Đình Của diện tích đất 1.843 m2; C12 Thanh Xuân Bắc diện tích đất 1.780 m2; D2 Giảng Võ BA Đình diện tích 1.230 m2;

Tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; phòng 15 tầng số 11B Cát Linh diện tích 2.933 m2; Tòa nhà số 362 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng 7 tầng nổi, 1 tầng hầm có diện tích đất 618 m2; dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn cao 9 tầng diện tích đất 1.624 m2; Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình 3.108 m2...

Ngoài ra, Hapro còn được tiếp tục sở hữu hàng loạt khu công nghiệp thực phẩm; trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long; dự án điểm đỗ xe; cụm nhà ở với diện tích đất lên đến hàng trăm nghìn m2...

Tại các tỉnh thành khác, Hapro cũng sở hữu loạt khu đất có diện tích không hề nhỏ.