12:31 12/06/2019

Vĩnh Long đứng đầu cả nước về chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2018

Nhật Dương

Vĩnh Long đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng đứng đầu cả nước về chỉ số công khai ngân sách tỉnh với 90,52/100 điểm

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2018.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo chỉ số công khai ngân sách tỉnh 2018.

Đó là thông tin tại hội thảo công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2018 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Liên minh Minh bạch ngân sách, Trung tâm Phát triển và Hội nhập phối hợp tổ chức, ngày 12/6 tại Hà Nội.

Lần đầu tiên có 6 tỉnh lọt nhóm "công khai đầy đủ"

Trình bày báo cáo, PGS TS. Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho biết, chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh năm 2018 đạt 51/100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn khá nhiều so với năm 2017 (chỉ số này năm 2017 đạt là 30,5 điểm).

Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2018 đã có sự cải thiện so với năm 2017. Trong đó, tín hiệu đáng khích lệ đầu tiên là năm 2018 đã có 6 tỉnh lọt vào nhóm công khai đầy đủ, so với năm 2017 là không có tỉnh nào.

6 tỉnh công khai đầy đủ này bao gồm: Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vình Phúc, Quảng Nam và Hậu Giang. Vĩnh Long đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng đứng đầu cả nước về chỉ số công khai ngân sách tỉnh với 90,52 điểm.

Ngoài ra, có 27 tỉnh công khai tương đối; 21 tỉnh công khai chưa đầy đủ và 9 tỉnh thuộc nhóm công khai ít, trong đó Hải Phòng ở mức thấp nhất chỉ với 5,14 điểm.

PGS TS. Vũ Sỹ Cường đánh giá, khác với năm 2017, không còn tỉnh nào có chỉ số công khai ngân sách tỉnh bằng 0. Điều này cho thấy đã có một sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn 32 tỉnh, thành nằm dưới mức xếp hạng trung bình, cho thấy dù nỗ lực rõ rệt nhưng vẫn còn khoảng 50% tỉnh, thành cần tuân thủ và cải thiện mức độ công khai ngân sách tỉnh.

Bên cạnh đó, chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2018 cũng cho thấy sự khác biệt trong mức độ công khai ngân sách giữa các vùng. Trong đó, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có điểm xếp hạng chỉ số công khai ngân sách tỉnh cao nhất, lần lượt là 60,9 và 59,16 điểm, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

Vùng Bắc Trung Bộ có điểm số trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 40,33 điểm, tiếp đó là Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên.

Ngoài ra, chỉ số công khai ngân sách tỉnh năm 2018 còn cho thấy số lượng các tài liệu ngân sách được các tỉnh công khai trong năm 2018 đã tăng so với năm 2017. Trong số 9 tài liệu ngân sách được công khai được tính điểm đánh giá trong khảo sát, dự toán ngân sách được hội đồng nhân dân tỉnh quyết định là tài liệu được công khai nhiều nhất. Đáng chú ý, Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 là tài liệu lần đầu tiên được đưa vào chấm điểm trong lần công khai này.

Các tỉnh còn "ít" tạo điều kiện để người dân tham gia công khai ngân sách

Liên quan đến mức độ tham gia của người dân, báo cáo chỉ ra rằng nhìn chung các địa phương ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách. Số điểm quy đổi của 63 tỉnh, thành phố là 34,35 điểm.

Trong đó, tỉnh Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất với 66,6 điểm, các tỉnh Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, Đồng Tháp, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Thái Bình là những tỉnh có điểm số bằng nhau, đồng thời cũng là những tỉnh có điểm số thấp nhất cả nước, với chỉ 16,6 điểm.

Một điểm đáng lưu ý nữa là kết quả công khai chỉ số ngân sách tỉnh có 47 tỉnh có công khai dự thảo dự toán ngân sách tỉnh năm 2019 trình Hội đồng nhân dân nhưng chỉ có 29 tỉnh công khai kịp thời, 7 tỉnh công bố chậm và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được thời điểm công bố. Như vậy, mục tiêu công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước để cho người dân tham gia ý kiến là chưa đạt được.

PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh thêm rằng, dù 62/63 tỉnh đã có chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Tài chính, nhưng vẫn có nhiều tỉnh lại chưa đăng, hoặc không cập nhật các tài liệu ngân sách trong chuyên mục này, mà lại đăng tại các chuyên mục khác của cổng thông tin điện tử hoặc trang liên kết. Do vậy, rất khó khăn để có thể tiếp cận được các tài liệu ngân sách này.

Trước những thực tế như trên, để người dân được biết và để có thể minh chứng cho việc công khai kịp thời, báo cáo khuyến nghị rằng các tài liệu công khai cần phải được kèm theo quyết định công bố công khai thông tin của cơ quan có thẩm quyền. Các tài liệu ngân sách nhà nước cần phải công khai đúng thời gian quy định với đầy đủ các thông tin về quyết định/nghị quyết phê duyệt... Việc công khai cũng cần bổ sung các thông tin về thời điểm công bố tài liệu.

Hơn hết, các tỉnh cần chủ động hơn trong việc phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách, nhằm tạo cơ hội nhiều hơn cho người dân tham gia vào quản lý ngân sách tại địa phương.