18:51 22/11/2019

Vỡ quy hoạch điện mặt trời: Trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương

Bạch Huệ

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm sâu sắc

Nhà đầu tư ồ ạt đầu tư điện mặt trời dẫn đến vỡ quy hoạch
Nhà đầu tư ồ ạt đầu tư điện mặt trời dẫn đến vỡ quy hoạch

Văn phòng chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, áp dụng từ 1/7/2019.

Kết luận nêu rõ, giai đoạn vừa qua, việc đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời đã thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong nước thuộc các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Báo cáo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy việc đầu tư các dự án điện mặt trời đi vào thực chất, quy mô vận hành thương mại rất lớn khoảng 4.500MW với tiến độ xây dựng nhanh, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt cho người dân.

Tuy vậy, giai đoạn vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Cụ thể, quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời.

Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện của Bộ Công Thương còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn yếu kém.

"Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương thiếu tính khoa học và thực tiễn, tính dự báo yếu kém. Chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một khu vực gây khó khăn trong truyền tải điện, giải toả công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện qucoos gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư", kết luận nêu.

Kết luận của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải rút kinh nghiệm sâu sắc về những tồn tại, hạn chế nêu trên để tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý phát triển điện mặt trời cũng như các dạng năng lượng tái tạo khác trong giai đoạn tới.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề về phát triển điện mặt trời, năng lượng sạch.

Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) chất vấn.

Quy hoạch điện VII có ý nghĩa gì khi quy hoạch năm 2020 là 850 MW và 1200 MW tới 2030 đã bị phá vỡ khi công suất hiện tại lên hơn 7.000 MW, gấp 9 lần ban đầu. Hiện 121 dự án được cấp phép và 210 dự án đang chờ phê duyệt, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) chất vấn.

Khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời, Bộ trưởng Tuấn Anh trả lời.

Song, Bộ trưởng cũng trình bày là quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện đủ mạnh cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Theo tính toán, sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Đại diện Cục Điện tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, phần lớn các chủ đầu tư điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã biết trước việc quá tải lưới truyền tải và phải tiết giảm công suất.