13:17 27/03/2019

Vốn cho vay tạo việc làm còn eo hẹp, khó xoay xở

Dũng Hiếu

Quỹ Quốc gia chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vốn để tạo việc làm

Mặc dù Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo cơ hội cho nhiều người lao động tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất và tăng thu nhập, nhưng giải quyết việc làm từ quỹ này vẫn xoay xở trong chiếc áo hẹp. Bởi nguồn vốn cho vay của quỹ vẫn còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng 30-35% nhu cầu vốn.

Kể từ năm 2003 bắt đầu thực hiện Chương trình cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động từ Quỹ quốc gia về việc làm, đến nay đã được duy trì thường xuyên, chất lượng, hiệu quả vay không ngừng tăng lên, quỹ được bảo toàn. Trong 3 năm (2016-2018), hoạt động cho vay giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng tốt hơn.

Tuy nguồn vốn của Quỹ quốc gia tăng trưởng khá tích cực trong những năm qua, hoạt động của quỹ vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Dương Quang Huy, Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn cho biết, đến nay tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ việc làm mà Trung ương Đoàn điều hành và quản lý chỉ có hơn 75 tỷ đồng. 

"Nguồn vốn còn rất ít so với nhu cầu vay vốn của thanh niên", ông Huy nhận xét. 

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho hay, tính đến tháng 9/2018, tổng nguồn vốn của Quỹ quốc gia do tỉnh quản lý là 64,538 tỷ đồng, không thay đổi so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay là 63,358 tỷ đồng, giảm so với hồi đầu năm.

Thừa nhận nguồn vốn cho vay của Quỹ quốc gia về việc làm còn hạn chế, ông Tào Bằng Huy, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhận xét, hàng năm, ngân sách nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp. 

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, ngân sách nhà nước không cấp bổ sung vốn cho Quỹ. Nguồn vốn của quỹ chỉ được bổ sung từ một phần lãi cho vay (10% tiền lãi cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm hàng năm) nên mới chỉ đáp ứng 30 - 35% nhu cầu vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

"Mặc dù đã được quy định trong Nghị định số 61/CP, nhưng đến nay, ngân sách Trung ương vẫn chưa bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân người có công với cách mạng)", ông Huy đánh giá. 

Bên cạnh đó, một số quy định về cho vay vốn từ quỹ chưa phù hợp với thực tiễn, như quy định về lãi suất cho vay từ quỹ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (thấp hơn mức lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo). 

Trong khi đây không phải là các đối tượng ưu tiên, dẫn đến tâm lý ỷ lại của các đối tượng, không khuyến khích họ trả nợ đúng hạn và tạo sự không công bằng với các chương trình tín dụng ưu đãi khác của Ngân hàng Chính sách Xã hội. 

"Chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp", ông Huy cho biết. 

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, thời gian tới, thị trường lao động ngày càng sôi động hơn đòi hỏi việc nâng cao hiệu quả và chất lượng tín dụng hỗ trợ của Nhà nước qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Trong đó tăng cường nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ việc làm qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, Ngân hàng Chính sách Xã hội đề nghị Chính phủ hàng năm tăng cấp bổ sung ngân sách nhà nước, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội cho Quỹ quốc gia về việc làm, vì nhu cầu vay vốn tạo việc làm hiện nay rất lớn. 

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh lãi suất vay vốn từ Quỹ quốc gia lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. UBND tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay giải quyết việc làm. 

Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc nâng cao chất lượng hoạt động cho vay; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư... với hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.