08:00 16/11/2017

Vốn vay nước ngoài có thể vượt trần, lo an toàn nợ công

Nguyên Vũ

Cơ chế quản lý nợ công của Việt Nam còn phân tán, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam cũng như thay đổi của thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong một phiên họp của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong một phiên họp của Quốc hội.

Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng là người mở màn hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Ngày 15/11, gửi báo cáo một số nội dung liên quan đến yêu cầu trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu bốn hạn chế trong quản lý nợ công của Việt Nam.

Nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng

Hạn chế thứ nhất là cơ chế quản lý nợ còn phân tán, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam cũng như thay đổi của thông lệ quốc tế.

Thứ hai, khả năng giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài có thể vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là 300 nghìn tỷ đồng. Bao gồm giải ngân các khoản vay ký kết mới trong giai đoạn 2016 - 2017, các dự án đang đàm phán ký kết, các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, hoặc các dự án đã ký kết chưa bố trí đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội phê duyệt.

Liên quan đến hạn chế này, gửi Quốc hội báo cáo về tình hình nợ công đầu kỳ họp, Chính phủ cũng đã lo ngại với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn (tối đa 300 nghìn tỷ đồng) gặp khó khăn, tạo sức ép lên trần nợ công, nợ chính phủ và nghĩa vụ trả nợ của ngân sách.

Trở lại báo cáo của Bộ trưởng, hạn chế thứ ba được đề cập là lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài có xu hướng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA (từ tháng 7/2017) và ADF (từ tháng 1/2019), làm tăng chi phí huy động và nghĩa vụ trả nợ. Tỷ trọng các khoản vay ưu đãi có lãi suất thả nổi trong danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ tăng, làm tăng nghĩa vụ trả nợ và rủi ro về lãi suất

Thứ tư, việc kiểm soát chi phí các hạng mục sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài còn chưa chặt chẽ. Dư nợ nước ngoài của quốc gia có xu hướng tăng, chủ yếu do dư nợ tự vay tự trả của các doanh nghiệp tăng. Năm 2016 tăng 14,5% so với năm 2015, trong đó nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng 26,8%.

Không vay chi thường xuyên

Về tình hình nợ công, Bộ trưởng cho biết đến cuối năm 2016, dư nợ công bằng 63,6% GDP, nợ Chính phủ bằng 52,6% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 44,7% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2017, nợ công bằng 62,6% GDP, nợ Chính phủ bằng 51,8% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,2% GDP, trong giới hạn cho phép.

Cơ cấu nợ Chính phủ chuyển biến theo hướng tăng nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài. Cụ thể, nợ trong nước của Chính phủ tăng dần từ mức 39% năm 2011 lên 60% năm 2017. Nợ nước ngoài giảm dần từ mức 61% năm 2011 xuống còn 40% năm 2017.

Báo cáo về một số giải pháp, Bộ trưởng khẳng định sẽ quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

Bộ trưởng cũng "hứa" kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ, giữ các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép.

Giải pháp tiếp theo là rà soát, tổng hợp giá trị các dự án mới ký kết và có khả năng sẽ ký kết trong giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để có căn cứ đánh giá tác động đến nợ công cũng như kế hoạch tài chính trung hạn. Không vay cho các lĩnh vực mà Việt Nam đã làm chủ công nghệ.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ có biện pháp để kiểm soát tốc độ tăng dư nợ nước ngoài của Chính phủ, đặc biệt là các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp để đảm bảo tuân thủ các hạn mức đã được Thủ tướng phê duyệt.