18:02 05/06/2019

Vụ chùa Ba Vàng: “Dù xử phạt 100 triệu hay nửa tỷ cũng không phải lớn”

Quang Thanh

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng quan trọng nhất là làm thế nào để lên án và phê phán những hành vi phản văn hoá, phi đạo đức

Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện - Ảnh: VTV.
Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện - Ảnh: VTV.

Chiều ngày 5/6, mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre), đặt câu hỏi việc xử phạt hành vi vi phạm tại chùa Ba Vàng 5 triệu đồng thời gian qua có quá nhẹ hay không, có đủ sức răn đe hay chưa? 

Trả lời câu hỏi này của đại biểu Thuỷ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: "Vụ việc xảy ra tại chùa Ba Vàng vừa vi phạm luật pháp, vừa ảnh hưởng tới đạo đức, lối sống và văn hoá. Chúng ta cần lên án và xử lý".

Liên quan tới vụ việc này, ngày 26/3, tại cuộc họp báo về sự việc "thỉnh vong", cúng "oan gia trái chủ" tại chùa Ba Vàng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh cho biết chính quyền đã xử phạt hành chính với hành vi lợi dụng hoạt động thỉnh vong, gọi hồn để hành nghề mê tín dị đoan với bà Phạm Thị Yến (sinh năm 1970, trú tại phường Hồng Hải, thành phố Long).

"Việc xử lý thì chính quyền địa phương và UBND thành phố Uông Bí đã ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm nếp sống văn hoá với bà Phạm Thị Yến với mức phạt 5 triệu đồng. Theo Nghị Định 158 (158/2013/NĐ-CP) về xử phạt thì đây là mức phạt cao nhất", Bộ trưởng tiếp tục.

"Mức phạt tiền 5 triệu đồng là rất nhỏ, và có thể lên tới 100 triệu, nửa tỷ thì vẫn không phải lớn. Vấn đề là tiền chỉ là một phần, rõ ràng cần tăng nặng hình thức xử phạt về quản lý nhà nước, nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để lên án và phê phán hành vi phản văn hoá, phi đạo đức. Cần kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa cả dư luận xã hội sẽ tốt hơn".

Sử dụng quyền tranh luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng với chất vấn của mình chưa rõ. Bà Thuỷ cho rằng hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan ở chùa Ba Vàng đã tác động đến tư tưởng nhận thức văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân, vừa tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp qua bài phát tán trên mạng. 

"Tại sao Bộ trưởng không nghĩ là nên xem xét lại với vai trò quản lý ngành, việc xử phạt đã đúng người đúng tội chưa, có cần thiết các cơ quan pháp luật truy tố bà Yến trước pháp luật hay không. Ngoài ra, đề nghị Bộ trưởng có biện pháp chống tái phạm tình trạng trên ở chùa Ba Vàng, bởi sau khi bị xử phạt, bà Yến lại tiếp tục tuyên truyền và đưa lên mạng, thách thức các cơ quan pháp luật", Đại biểu Thuỷ đặt câu hỏi.

Sau câu hỏi của Đại biểu Thuỷ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định việc này có trách nhiệm quản lý nhà nước của Ban Tuyên giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm tới các hoạt động mê tín dị đoan, "buôn thần bán thánh" đang diễn ra tràn lan trên khắp các cơ sở tâm linh trên cả nước. Theo báo cáo gửi lên Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thừa nhận vẫn còn một số hiện tượng như đốt vàng mã (nhiều, lớn); cầu cúng, tế lễ vượt quá giới hạn sinh hoạt tín ngưỡng bình thường (dịch vụ giải sao trọn gói, thỉnh vong…), xin săm, rút quẻ, bói toán… 

Thực trạng này tồn tại do còn thiếu văn bản quy phạm pháp luật có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể, với các biện pháp răn đe đủ mạnh về phòng ngừa mê tín, dị đoan. Bên cạnh đó, công tác tổ chức thực thi pháp luật về phòng ngừa mê tín, dị đoan còn chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa đạt được như mong muốn.

Công tác phối hợp giữa các ban, bộ, ngành chưa thật thường xuyên, chặt chẽ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội về việc lên án các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi hiệu quả chưa cao.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới, Bộ cho biết sẽ tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời tiến hành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, theo hướng tăng cường hơn nữa các biện pháp răn đe, ngăn ngừa hành vi mê tín dị đoan. 

Đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về hệ lụy nguy hiểm của hiện tượng mê tín dị đoan, vạch trần thủ đoạn lừa bịp "buôn thần, bán thánh" của các đối tượng hành nghề mê tín, dị đoan, giúp mọi người hiểu rõ để từ đó xa lánh, dần loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội.

Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm và nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về mê tín dị đoan; xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, trục lợi.