21:57 26/10/2017

Vụ Khaisilk có đối mặt nguy cơ hình sự hoá?

Kiều Linh

LS. Trần Minh Hùng cho rằng, đây là vụ việc có căn cứ để khởi tố hình sự

Doanh nhân Hoàng Khải tại một trong những cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk.
Doanh nhân Hoàng Khải tại một trong những cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk.

Sau nhiều ngày im lặng trước thông tin khách hàng tố khăn lụa Khaisilk cùng lúc gắn hai nhãn mác "made in China" và "made in Vietnam", cuối cùng người đứng đầu Tập đoàn Khaisilk, ông Hoàng Khải đã thừa nhận có bán sản phẩm lụa Trung Quốc dưới mác Việt trong nhiều năm.

Trong bài phỏng vấn được báo chí đăng tải tối 25/10, ông chủ thương hiệu Khaisilk cho biết ông "cúi đầu xin lỗi" khách hàng, đồng thời sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả, và sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, vụ việc này có thể nhìn nhận thế nào dưới góc độ pháp lý?

LS. Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư Tp.HCM) cho rằng, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa dối có tổ chức, được chuẩn bị, tính toán, với số lượng và quy mô lớn. 

Theo quy định tại điều 162 Bộ Luật hình sự, hành vi của ông Khải có dấu hiệu cấu thành tội "lừa dối khách hàng", do đó, có căn cứ để khởi tố hình sự, LS. Hùng phân tích.

Ngoài ra, theo điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp của ông Khải đã vi phạm pháp luật về quyền lợi của người tiêu dùng .

Điều luật này quy định khách hàng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

Và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền khởi kiện Khaisilk để yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

"Như vậy, ngoài việc bị xử lý về mặt hành chính, hình sự, Khaisilk có thể còn phải chịu trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự theo như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gồm bồi thường cho khách hàng, đối tác căn cứ theo các hợp đồng, giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng và các quy định pháp luật liên quan", LS. Hùng nói.

Nhưng cũng theo ông Hùng, việc khởi kiện chỉ dễ dàng với khách hàng chứng minh được có hoá đơn, hợp đồng mua bán...

Một chuyên gia truyền thông mạng xã hội, ông Nguyễn Ngọc Long, trưởng nhóm truyền thông Trăng Đen đánh giá, ông chủ Khaisilk chỉ thừa nhận việc bán khăn "made in China" khi thấy không còn che giấu được. Cho nên, việc xin lỗi chỉ là tình tiết giảm nhẹ. 

Cũng theo ông Long, trường hợp này không hẳn là dạng "lỗi" có thể "xin" được, khi có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng một cách có tính toán trong thời gian dài.

Chiều 26/10, Đội Quản lý thị trường 14 của thành phố Hà Nội đã phối hợp với cảnh sát kinh tế gồm PC 16, PC 49... và các lực lượng chức năng xuống kiểm tra cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk tại số 113 Hàng Gai.

Cửa hàng đã đóng cửa để phục vụ việc kiểm tra. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat… với tổng trị giá trên 30 triệu đồng.