Vụ tòa nhà ở Mã Pì Lèng: "Xây một công trình 7 tầng mà chính quyền không biết là vô lý"
"Khi xây dựng sửa chữa nhỏ thì đội quản lý xây dựng tại địa phương đã đến lập biên bản, trong khi một công trình xây đến 7 tầng mà chính quyền không biết biết là vô lý"
Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời báo chí như vậy về vấn đề công trình xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) tại cuộc giao báo chí quý 3/2019 do Bộ này tổ chức ngày 8/10.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bình cho biết, chiều 6/10 vừa qua, Cục Di sản Văn hóa của Bộ cũng đã có thông tin thông tin bước đầu.
Theo đó, tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Theo Điều 32 Luật Di sản, việc xây dựng công trình quy định tại khu vực này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa "Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch".
Căn cứ theo các quy định trên, ông Bình khẳng định, đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận bất kỳ công văn nào của tỉnh Hà Giang xin thẩm định về công trình trái phép trên.
Cũng theo ông Bình, quan điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là căn cứ theo Điều 36 Luật Di sản, khi triển khai xây dựng các công trình thì tỉnh Hà Giang phải có biện pháp bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng.
Các công trình dù góp phần phát triển du lịch, nhưng phải tuân thủ pháp luật. Do đó, trách nhiệm để công trình sai phạm khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý thuộc về chính quyền địa phương, mà trong trường hợp này là tỉnh Hà Giang.
"Khi xây dựng sửa chữa nhỏ thì đội quản lý xây dựng tại địa phương đã đến lập biên bản, trong khi một công trình xây đến 7 tầng, mà chính quyền địa phương không biết là vô lý. Còn việc chủ công trình nói với báo chí, nếu đập bỏ công trình sai phạm sẽ nhảy xuống sông Nho Quế tự tử, thì tôi cho rằng không thể lấy sinh mệnh của mình để tạo áp lực với chính quyền địa phương", ông Bình nhấn mạnh và cho rằng nếu đã sai phạm thì phải sửa chữa và tuân thủ pháp luật.
Ông Bình cũng thông tin, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã có báo cáo ban đầu về vụ việc này. Trong đó cho rằng, khi chủ đầu tư xin xây dựng công trình đã có văn bản xin ý kiến về thiết kế ban đầu chỉ là điểm dừng chân ngắm cảnh.
Tuy nhiên, qua quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã làm sai lệch hoàn toàn so với thiết kế ban đầu, từ vật liệu dùng cho đến kiến trúc.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết thêm, thông tin thêm, trong hôm nay Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ đã có đoàn lên kiểm tra thực tế công trình tại đỉnh Mã Pì Lèng.