14:09 24/12/2019

“Vua tôm” Việt: Để bứt phá Minh Phú phải chuyển đổi số

Diệu Minh

Chủ tịch Minh Phú cho rằng, chuyển đổi số sẽ là công cụ giúp Tập đoàn Minh Phú bứt phá, hiện thực hóa khát vọng nắm giữ 25% thị trường tôm thế giới vào năm 2045 thay vì 4% như hiện nay

Ông Lê Văn Quang, chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Ông Lê Văn Quang, chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), bước đầu bằng công nghệ MPC đã giải quyết được bài toán rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp tôm phải đối mặt gồm: dịch bệnh, biến thời tiết và quản lý con người, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Quang kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp giải quyết các vấn đề trên tốt hơn, hiệu quả hơn.

Mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Minh Phú là đạt 25% thị phần tôm thế giới vào năm 2045. Minh Phú muốn bứt phá vươn lên thì phải thay đổi và chuyển đổi số là con đường tất yếu, giúp công ty có bước phát triển đột phá về cả vị thế, năng lực và quy mô tăng trưởng, nâng cao giá trị cạnh tranh trên toàn cầu.

Minh Phú chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và hợp đồng tư vấn chuyển đổi số với Tập đoàn FPT. Theo đó, Tập đoàn FPT và Minh Phú tập trung thực hiện dự án xây dựng lộ trình chuyển đổi số hướng đến tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu trở thành công ty công nghệ thủy sản trong TOP đầu thế giới.

Với vai trò là đối tác tư vấn chiến lược, FPT sẽ áp dụng phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai cho các công ty trên thế giới để tìm ra các vấn đề cần giải quyết, cơ hội tăng trưởng tiềm năng khi áp dụng số hóa, từ đó xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho Minh Phú.

Trả lời câu hỏi về MPC quyết định ứng dụng chuyển đổi số thay vì ứng dụng công nghệ để giải quyết 3 vấn đề rủi ro nhất của ngành tôm mà Minh Phú đang tiên phong, ông Lê Văn Quang cho biết: Suốt 2 năm nay, Tập đoàn Minh Phú đã tìm tòi những công cụ, dụng cụ, phương tiện để giải quyết vấn đề này.

Bước đầu bằng công nghệ MPC đã giải quyết được nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tập đoàn Minh Phú tìm kiếm được thiết bị hỗ trợ tốt hơn nhưng nếu chỉ làm theo từng mảng, từng công đoạn, hiệu quả đạt được không cao. Vì vậy, MPC sẽ ứng dụng chuyển đổi số vào nuôi tôm để giải quyết được 3 rủi ro nói trên.

"Trước kia chưa tiếp xúc công nghệ số, tôi nghĩ giải quyết bài toán công nghệ là đơn thuần giải quyết từng mảng, rồi kết nối các mảng lại với nhau….nhưng sau khi tiếp xúc công nghệ số, chuyển đổi số thì tôi cho rằng đây sẽ là công cụ giúp chúng tôi hiệu quả hơn, thông minh hơn trên kho dữ liệu mà chúng tôi có được", ông Quang chia sẻ.

Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình bổ sung thêm: Mục tiêu của chuyển đổi số là các doanh nghiệp có thể phản ứng tức thời với mọi thay đổi. Đối với các tập đoàn lớn trên thế giới, khi dịch bệnh mới phát sinh, thời tiết thay đổi, nếu phản ứng chậm cũng sẽ giải quyết được, nhưng chúng ta sẽ bị lãng phí, không giải quyết triệt để vấn đề được. Hơn nữa, cuộc cách mạng này cho phép ta có thể dự báo được tương lai – yếu tố quan trọng nhất. Các Tập đoàn trên thế giới trong ngành tôm làm thế nào để đáp ứng thị trường tốt nhất với giá thành phù hợp….  

"Trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, mục tiêu lớn nhất của các Tập đoàn lớn gồm: quản lý tốt nhất tài sản mình có; phản ứng tức thời với những thay đổi để đáp ứng năng suất cao nhất, hiệu quả cao nhất, đáp ứng sự hài lòng khách hàng, đảm bảo chất lượng; và dự báo tương lai", ông Trương Gia Bình.  

Trên thị trường Tôm thế giới Minh Phú đang nắm giữ khoảng 4% thị phần, tính chung cả Việt Nam đang nắm giữ khoảng 10% thị phần.