12:23 25/01/2018

Vượt 37 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng cao nhất gần 5 tháng

Diệp Vũ

Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới đã không còn do giá vàng trong nước tăng yếu hơn

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.

Phiên tăng mạnh của giá vàng thế giới vào đêm qua đã kéo giá vàng miếng trong nước sáng nay lên mức 37,3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới đã không còn do giá vàng trong nước tăng yếu hơn.

Lúc hơn 11h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 37,14 triệu đồng/lượng (mua vào) và 37,26 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 280.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 37,15 triệu đồng/lượng và 37,3 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Theo biểu đồ giá vàng của DOJI, giá vàng SJC đang ở mức cao nhất kể từ ngày 8/9/2017. Đây cũng là lần đầu tiên giá vàng miếng vượt mốc 37 triệu đồng/lượng kể từ thời điểm trên.

Mức tăng sáng nay là mức tăng mạnh nhất trong 1 ngày của giá vàng trong nhiều tuần trở lại đây, nâng tổng mức tăng của giá vàng miếng trong vòng 1 tuần nay lên khoảng nửa triệu đồng/lượng.

Giá vàng tăng khá nhanh khiến các công ty kim hoàn tỏ ra thận trọng, nới rộng khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra. Sáng nay, giá mua-bán vàng miếng SJC tại Hà Nội chênh phổ biến 120.000 đồng/lượng, thay vì chênh 70.000-80.000 đồng/lượng như mấy ngày trước.

Vàng nhẫn tròn trơn một số thương hiệu lớn sáng nay tiếp tục đắt hơn vàng miếng SJC ở chiều bán ra, với mức giá cao hơn khoảng 200.000 đồng/lượng so với vàng miếng. Chẳng hạn, vàng nhẫn Phú Quý của Phú Quý, Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu… có giá mua vào khoảng 37 triệu đồng/lượng, bán ra từ 37,4-37,5 triệu đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước sáng nay ngang bằng, từ chỗ chênh khoảng hơn 100.000 đồng/lượng vào sáng qua.

Dù tăng chậm hơn giá thế giới, giá vàng trong nước vẫn đang dựa chủ yếu vào đà tăng của giá thế giới để đi lên. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng nhờ sự suy yếu của đồng USD.

Phiên đêm qua tại New York, giá vàng giao ngay tăng 16,8 USD/oz, tương đương tăng gần 1,3%, chốt ở 1.358,7 USD/oz. Lúc hơn 11h trưa nay trong phiên châu Á, giá vàng giao ngay tăng thêm 3,5 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, đạt 1.362,2 USD/oz.

Đồng USD đã giảm giá mạnh sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng một đồng USD yếu là có lợi cho nước Mỹ. "Rõ ràng một đồng USD yếu hơn là có lợi cho chúng tôi, vì điều đó có liên quan đến thương mại và các cơ hội", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Mnuchin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ.

Sau khi phát biểu được đưa ra, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 1%, mức giảm mạnh nhất trong 10 tháng, còn 89,25 điểm. Sáng nay, chỉ số này tiếp tục lập một mức đáy mới của 3 năm, khi giảm về 88,946 điểm.

Tỷ giá Euro/USD sáng nay tăng lên mức 1,2439 USD, mức cao nhất kể từ tháng 12/2014. Tỷ giá USD/Yên giảm về 108,92 Yên, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 9/2017.

Theo hãng tin Reuters, giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong 1 năm rưỡi và cách không xa mức cao nhất 4 năm là mức 1.375 USD/oz thiết lập hồi tháng 7/2016.

Tăng là xu hướng chính của giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay, nhờ đồng USD xuống giá do giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không phải là ngân hàng trung ương duy nhất thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2018.