Vượt Mỹ, Singapore thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
Singapore đã vượt qua Hồng Kông và Mỹ để chiếm vị trí số 1 về năng lực cạnh tranh
Singapore đã vượt qua Hồng Kông và Mỹ để chiếm vị trí số 1 trong nhóm những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh tốt nhất thế giới.
Hãng tin Bloomberg dẫn xếp hạng thường niên IMD World Competitiveness Ranking 2019 của Trường Kinh doanh IMD ở Thụy Sỹ cho biết, đây là lần đầu tiên trong 9 năm đảo quốc sư tử đạt được vị trí này.
Theo báo cáo, những yếu tố đưa Singapore lên vị trí nói trên bao gồm hạ tầng công nghệ hiện đại, lực lượng lao động trình độ cao dồi dào, và điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp.
Trái với sự đi lên của Singapore, Mỹ tụt 2 bậc trong xếp hạng do cú huých niềm tin từ chương trình giảm thuế của Tổng thống Donald Trump mất dần tác dụng, cũng như xuất không công nghệ cao của Mỹ yếu đi.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, xếp vị trí 14, giảm 1 bậc so với năm ngoái.
Các nền kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương duy trì tốt, với 11/14 nền kinh tế trong khu vực góp mặt trong xếp hạng có sự cải thiện hoặc giữ được xếp hạng. Hồng Kông đứng ở vị trí thứ hai, không thay đổi so với năm ngoái, nhờ "môi trường chính sách thuế và kinh doanh mềm mỏng" cũng như khả năng tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn kinh doanh.
Xếp hạng 2019 | Nền kinh tế | Xếp hạng 2018 | Tăng/giảm |
1 | Singapore | 3 | +2 |
2 | Hồng Kông | 2 | 0 |
3 | Mỹ | 1 | -2 |
4 | Thụy Sỹ | 5 | +1 |
5 | UAE | 7 | +2 |
6 | Hà Lan | 4 | -2 |
7 | Ireland | 12 | +5 |
8 | Đan Mạch | 6 | -2 |
9 | Thụy Điển | 9 | 0 |
10 | Qatar | 14 | +4 |
10 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới 2019 - Nguồn: IMD
Xếp hạng của IMD lần đầu được thực hiện vào năm 1989, đến nay đã có 30 lần công bố. Năm nay, báo cáo đánh giá 63 nền kinh tế trên thế giới dựa trên 235 chỉ số khác nhau.
Trong đó, các dữ liệu cứng bao gồm thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế, chi tiêu chính phủ vào y tế và giáo dục… Các dữ liệu mềm bao gồm mức độ gắn kết xã hội, toàn cầu hóa, tham nhũng… Các tiêu chí này được xếp vào 4 nhóm gồm năng lực kinh tế, cơ sở hạ tầng, hiệu quả của chính phủ, và điều kiện kinh doanh.
Indonesia là một nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong xếp hạng. Nước này đã tăng 11 bậc lên vị trí thứ 32 nhờ sự cải thiện lớn ở các nhóm tiêu chí về hiệu quả của chính phủ, cơ sở hạ tầng, và điều kiện kinh doanh.
Thái Lan tăng 5 bậc lên vị trí 25 nhờ sự gia tăng mạnh về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng suất.
Trái lại, Nhật Bản giảm 5 bậc do tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nợ công cao, và các điều kiện kinh doanh kém đi.
Các nền kinh tế ở khu vực châu Âu đạt kết quả có phần kém hơn. Anh rớt xuống vị trí 23 từ vị trí 20 của xếp hạng năm ngoái, do những bấp bênh mà Brexit gây ra. Na Uy tuột khỏi top 10, trong khi Đan Mạch và Hà Lan tụt 2 bậc mỗi nước nhưng vẫn duy trì trong top 10.
Tuy nhiên, một số nước châu Âu có sự đi lên khá ấn tượng, như Ireland tăng 5 bậc, chiếm vị trí thứ 7. Thụy Sỹ tăng một bậc, đứng thứ tư, và tiếp tục là nền kinh tế cạnh tranh nhất châu Âu.
Saudi Arabia là nền kinh tế thăng hạng mạnh nhất, tiến 13 bậc lên vị trí thứ 26 nhờ đầu tư mạnh vào giáo dục.
Venezuela, quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế-chính trị, "đội sổ" xếp hạng, đứng ở vị trí 63.