09:33 20/09/2019

World Bank: "Việt Nam có mọi tiềm năng thành công nhưng cần phải cải cách táo bạo"

AN NHIÊN

Cải cách và cải cách là hai từ được lặp đi lặp lại trong phiên thảo luận sáng nay của các diễn giả kinh tế quốc tế và các chuyên gia trong nước tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019.

Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019.
Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019.

Mở đầu phiên thảo luận, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho biết, Việt Nam cải cách thể chế 20 năm nay, cải cách thể chế  trở thành trụ cột trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Tại sao sau 20 năm chúng ta vẫn tiếp tục cải cách thể chế? Thứ nhất do cải cách thể chế đạt được kết quả nhưng có khiếm khuyết và chưa đạt được kỳ vọng. 

Thứ hai, đó là quá trình liên tục. Thế giới thay đổi, Việt Nam cũng phải thay đổi nên không thể dừng lại nếu không muốn lùi lại phía sau.

Việt Nam cần cải cách táo bạo

Ông David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Hoa Kỳ), nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho rằng so với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm.

Việt Nam cần lưu ý một số điểm chính trong thực hiện cải cách thể chế pháp quyền trong giai đoạn tiếp theo. Đó là tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo.

Để cải thiện thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam cần đảm bảo tăng trưởng cao và thu hút đầu tư hiệu quả tốt. Và để làm được điều này buộc Việt Nam phải có cải cách mạnh mẽ, ngay cả Mỹ muốn duy trì tăng trưởng tốt vẫn phải liên tục thực hiện cải cách.

Đồng quan điểm, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh dù có những thành tựu ấn tượng, song Việt Nam vẫn chưa thành công trong tạo ra thể chế thị trường có hiệu lực, hiệu quả. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước. 

"Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy biến động, khi các biên giới đang đóng lại, và căng thẳng thương mại đang gia tăng. Đồng thời, những thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy - ví dụ như robot và in 3D. Những phát triển này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, vốn đã từng phụ thuộc rất nhiều vào thương mại toàn cầu như một động lực tăng trưởng.

Bên cạnh đó, mô hình kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức trong nước, bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỉ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất".

"Việt Nam có mọi tiềm năng để duy trì thành công của mình nhưng cần cải cách táo bạo. Hãy cùng nhau suy nghĩ đổi mới sáng tạo, cởi mở mạnh dạn, đặt ra tham vọng to lớn, thiết thực và cụ thể. Chúng ta phải đảm bảo, những biện pháp chúng ta đưa ra có thể thực hiện", vị này nhấn mạnh.

Đa dạng hóa nguồn vốn để "tiếp nhiên liệu" cho tăng trưởng kinh tế

Ông Alwaleed Alatabani, chuyên gia kinh tế trưởng về khu vực tài chính, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nói đến tự do hóa tài chính không phải là vấn đề đóng hay mở thị trường, mà nói đến quá trình giảm kiểm soát pháp lý với dòng vốn ra vào một quốc gia, đặc biệt là thu hút dòng vốn vào phát triển các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ sản phẩm mới. Đổi lại, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý đảm bảo cho hoạt động thị trường.

Bài học kinh nghiệm thế giới cho thấy tự do hóa tài chính nhanh chóng thường không thành công, khi tự do hóa tài chính phải được xem xét thấu đáo về cách tiếp cận tự do hóa tài chính, như cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1990.

Dẫn quan điểm của IMF, ông Alatabani cho rằng cần ưu tiên tự do hóa các dòng vốn ổn định hơn như FDI trước, cùng với đó là củng cố thể chế cho dòng vốn này, ban hành những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và chú trọng cải cách mạnh mẽ.

Việt Nam thu hút được nhiều FDI, đặc biệt kể từ 2015. Vấn đề đặt ra là làm sao liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước… mở cửa thị trường tài chính và chứng khoán hơn nữa. "Trước đây Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng nay cần đa dạng hóa nguồn vốn để "tiếp nhiên liệu" cho tăng trưởng kinh tế", vị này nói.

Sẽ không thành công nếu không tìm tòi, sáng tạo

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.

Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới.

Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh. Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.

Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. 

Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.

"Trong bối cảnh đó, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách",  Bộ trưởng Dũng nhận định.