22:18 21/05/2019

Xăng dầu 4 tăng 1 giảm qua giải thích của Chính phủ

Hà Vũ

Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay (sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5) tăng khoảng 17,2-27,1% so với đầu năm 2019

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm 2019 1 lần giảm 4 lần tăng
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm 2019 1 lần giảm 4 lần tăng

Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay (sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5) tăng khoảng 17,2-27,1% so với đầu năm 2019 (ngày 1/1).

Cùng với công tác điều hành giá điện, báo cáo điều hành giá xăng dầu vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội.

Theo báo cáo, giá bán lẻ xăng dầu trong nước từ đầu năm 2019 đến nay (hết ngày 16/5/2019) đã được thực hiện qua 9 kỳ điều hành, đều 1 lần giảm 4 lần tăng và 4 lần ổn định.

So với ngày 1/1/2019 giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay (sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2/5) tăng khoảng 17,2-27,1% . "Như vậy, có thể thấy mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng trong nước từ đầu năm đến nay vẫn được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6-46,2%), thông qua sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu", báo cáo nêu rõ.

Thời gian tới, Chính phủ cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước; sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm cho việc bình ổn thị trường theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9% theo kịch bản điều hành giá đã đặt ra từ đầu năm, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đồng thời Bộ tiếp tục khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 RON92, qua đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Báo cáo cũng dành một phần đánh giá về nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, từ khi nghị định 83 có hiệu lực cho đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu trong nước được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, nhìn chung phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới. Nhà nước không phải dùng ngân sách để điều tiết, bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu tại nghị định này còn được đánh giá là tạo điều kiện cho các thương nhân đủ năng lực tham gia kinh doanh, cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, tiêu dùng. Nếu như năm 2010 chỉ có 10 thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 1 thương nhân chuyên kinh doanh nhiên liệu bay) thì hiện nay đã có 30 thương nhân đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 3 thương nhân chuyên kinh doanh nhiên liệu bay) cùng hơn 200 thương nhân phân phối xăng dầu tham gia thị trường xăng dầu.

Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được chủ động quyết định giá bán lẻ xăng dầu nhưng không cao hơn giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu do liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố. Bước đầu đã có sự cạnh tranh về giá xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Qua đó doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng được hưởng lợi cũng như được lựa chọn mua xăng dầu với các mức giá phù hợp, Chính phủ nhìn nhận.

Nghị định 83 là cơ sở pháp lý cho liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành thị trường xăng dầu trong nước ổn định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội và tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong kinh doanh xăng dầu, Chính phủ in đậm đánh giá này tại báo cáo gửi đến Quốc hội.