22:48 11/03/2018

Xu thế dòng tiền: Chờ giải tỏa áp lực

Nguyễn Hoàng

Thị trường đã không thể tăng thêm được bao nhiêu trong tuần qua được cho là do còn nhiều lực cản khiến nhà đầu tư thận trọng

Thị trường đã không thể tăng thêm được bao nhiêu trong tuần qua được cho là do còn nhiều lực cản khiến nhà đầu tư thận trọng.

Các chuyên gia vẫn tin tưởng vào triển vọng bứt phá của thị trường trong thời gian tới khi những áp lực hiện tại được giải tỏa. Đó là sự biến động mạnh bất lợi trên thị trường chứng khoán quốc tế; quá trình tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs với xu hướng bán ra nhiều blue-chip; khả năng tăng lãi suất của FED.

Khi những áp lực trên không còn, các chuyên gia tin rằng thị trường sẽ có động lực tốt hơn, nhường chỗ cho kỳ vọng về kết quả kinh doanh quý 1/2018 cũng như các thông tin mới từ mùa đại hội cổ đông.

Tuần tới thị trường dự kiến sẽ có nhiều động lực để vượt đỉnh khi mà các thông tin được nhà đầu tư chờ đợi đã khá rõ ràng và đã được chiết khấu vào giao dịch trong tuần vừa qua.

Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường đã có một tuần dao động liên tục, thậm chí là khá sốc với biên độ rất rộng. Nhiều lần VN-Index vượt đỉnh tháng 1/2018 nhưng đều không thành công cho tới cuối phiên. Theo anh chị các biến động rất lớn đó là bình thường trong vùng đỉnh hay có tiềm ẩn rủi ro gì?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo quan điểm tôi, việc thị trường biến động mạnh tại vùng đỉnh và nhiều lần vẫn chưa vượt qua là điều bình thường.

Điều này có thể xuất phát từ các nguyên nhân chính: Thứ nhất, hầu hết nhà đầu tư đều trải qua cú sốc về mặt tâm lý vì VN-Index lao dốc trước Tết - đợt điều chỉnh sốc mà ít ai nghĩ tới nên khi index vòng lại về đỉnh cũ, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự tự tin trở lại.

Thứ 2, giai đoạn vừa qua, thị trường chứng khoán thế giới vẫn liên tục biến động rất mạnh với nhiều bất ổn từ chính sách của Mỹ, do đó nhà đầu tư rất ngại mua khi thị trường hồi phục, vì họ cho rằng đó chỉ là các đợt hồi phục mang tính kỹ thuật.

Thứ 3, tuần tới, 2 quỹ ETF lớn tại Việt Nam sẽ tiến hành cơ cấu danh mục, trong đợt cơ cấu này, hầu hết các mã trong danh mục sẽ bị bán ròng mạnh để nhường chỗ cho VRE, do đó áp lực bán của khối ngoại trong tuần tới là cao. Thông thường, trong các đợt cơ cấu của ETF, các dòng tiền lớn sẽ đứng ngoài thị trường để quan sát hơn là tích cực giao dịch.

Thứ 4, ngay sau khi ETF kết thúc kỳ cơ cấu vào 16/3, thì ngày 20-21/3 FED sẽ họp và trong lần họp này, gần như chắc chắn FED sẽ tăng lãi suất. Tuy nhiên điều gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế là FED vẫn có thể tăng lãi suất cao hơn dự báo hoặc công bố số lần tăng lãi suất trong năm 2018 nhiều hơn kỳ vọng.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tuần qua, VN Index vẫn giao động chủ yếu trong biên độ 1.103 - 1.130 điểm. Đây cũng là vùng đỉnh ngắn hạn tháng 1/2018. Các cổ phiếu vốn hóa lớn luân chuyển hỗ trợ thị trường nhưng cũng không giúp được thị trường vượt đỉnh. Dòng tiền có sự luân chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Hai quỹ ETFs sẽ thực hiện cơ cấu trong tuần này, với trọng tâm là phiên giao dịch 16/3 nên khả năng cao là thị trường tiếp tục giao dịch giằng co.

Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn đang tích lũy tích cực, tạo nền tăng trưởng khi thị trường có thông tin hỗ trợ.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Chỉ số VN-Index đã có tròn 2 tuần giao dịch trong vùng tích lũy, tuy nhiên khác với tuần trước đó, ở tuần giao dịch vừa qua thị trường lại có những phiên rung lắc dữ dội, dấu hiệu này là bình thường trong vùng tích lũy.

Nhờ có những phiên rung lắc diễn ra liên tục như vậy mà quá trình rũ hàng diễn ra mạnh mẽ, tạo điều kiện cho hoạt động tái cơ cấu danh mục với giá vốn thấp hơn. Điều tích cực có thể thấy ở những phiên rung lắc là chỉ số VN-Index nhanh chóng quay trở lại và vẫn duy trì ở biên trên của vùng tích lũy, thậm chí đáy sau những đợt rung lắc này đang dần dần được nâng lên (đáy sau cao hơn đáy trước).

Rủi ro cho quá trình này là không tạo được niềm tin cho người cầm hàng, tâm lý sợ hãi bung hàng khi thị trường co giật. Nhiều cổ phiếu sẽ không bật trở lại mà tiếp tục giảm tiếp nếu lượng cung chưa cạn. Vì vậy, nhìn chỉ số chung đang đi ngang trong vùng tích lũy nhưng nhiều cổ phiếu đã yếu đi trông thấy.

Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

VN-Index đã có tròn hai tuần giao dịch tích lũy và tình hình vẫn chưa có chuyển biến gì rõ ràng. Thị trường tuần này thậm chí còn yếu hơn tuần trước khi chỉ số chỉ tăng hơn 2 điểm, dù diễn biến của thị trường quốc tế lại tốt hơn. Liệu thị trường còn thiếu động lực gì nữa?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Như đã phân tích ở trên, việc thị trường chuyển biến chưa rõ ràng xuất phát từ nhiều nguyên nhân ở trên. Việc thị trường kết thúc tuần chỉ tăng điểm nhẹ, là do thiếu vắng sự giao dịch sôi động từ nhóm cổ phiếu trụ.

Theo đánh giá của tôi, thị trường sẽ tích cực sau khi giải tỏa được các áp lực trên. Sắp tới, mùa đại hội đồng cổ đông thường niên của các công ty niêm yết cũng sẽ tạo động lực tích cực cho thị trường.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Thị trường đã gặp nhiều khó khăn trong những phiên vừa qua khi nhiều lần test vùng kháng cự quanh 1.130 điểm không thành công. Việc chỉ số VN-Index "loay hoay" không vượt đỉnh trong tuần vừa qua chủ yếu đến từ tâm lý chờ đợt thông tin rõ ràng từ thị trường quốc tế, cụ thể là Mỹ.

Ở thị trường trong nước, nhà đầu tư đang chờ đợi sự đảo chiều mạnh mẽ trong giao dịch của khối ngoại mặc dù trong tuần vừa qua họ đã mua ròng 32 tỷ đồng trên HSX. Bên cạnh đó là thông tin cơ cấu danh mục của VNM ETF được công bố ở ngày cuối tuần.

"Quá tam ba bận", tuần tới thị trường sẽ có nhiều động lực để vượt đỉnh khi mà các thông tin được nhà đầu tư chờ đợi đã khá rõ ràng và đã được chiết khấu vào giao dịch trong tuần vừa qua.

Các động lực có thể đến từ: 1) Thị trường chứng khoán thế giới đã quay lại đà tăng khi các thông tin tốt hơn bắt đầu lấn lướt, nỗi lo chiến tranh thương mại giảm xuống và xuất hiện những dấu hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên. Kế hoạch đánh thuế thép và nhôm của Tổng thống Donald Trump không "mạnh tay" như tuyên bố ban đầu, bởi có các trường hợp miễn trừ. Ông Trump cũng đã nhất trí sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để bàn về vấn đề hạt nhân.

2) Khối ngoại có dấu hiệu ngừng bán ròng: mặc dù chưa hoàn toàn rõ rệt với con số 32 tỷ đồng mua ròng trong tuần vừa qua trên HSX nhưng đây là tín hiệu rất quan trọng cho thấy sự chuyển hướng trong giao dịch vốn gây lo ngại cho nhà đầu tư trong giai đoạn vừa qua.

3) Những thông tin về cơ cấu danh mục của các ETFs đã được công bố đầy đủ.

4) Kịch bản kinh tế 2018 sẽ được trình Chính phủ và báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Hiệp định CPTPP đã được ký vào ngày cuối tuần nhưng dường như thị trường cũng không phản ứng gì đặc biệt. Đứng về góc độ dài hạn và yếu tố cơ bản anh chị có quan tâm tới các cổ phiếu sẽ thay đổi chất lượng nhờ hiệp định này, đó là những cổ phiếu nào?

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Các ngành sẽ được hưởng lợi nhờ xuất khẩu tăng, dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác.

Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Do vậy đứng về góc độ dài hạn và yếu tố cơ bản, một số cổ phiếu có thể được quan tâm như: Dệt may (TCM, TNG, GIL…), Thủy sản (VHC, KHS,…), Khu công nghiệp (VGC, KBC, LHG, NTC...), thực phẩm, đồ uống (VMN, KDC, SAB, MCH…).

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo quan điểm của tôi, CPTPP sẽ mang lại nhiều tích cực cho các bên tham gia, tuy nhiên mức độ tác động tích cực đã giảm đi đáng kể do Mỹ không tham gia.

Sau khi ký kết, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất rất nhiều thời gian để thay đổi và thấy rõ được tác động của CPTPP, còn ngắn hạn thì chưa tác động trực tiếp.

Do đó, thị trường đã không phản ứng đặc biệt. Trước mắt các cổ phiếu dệt may, khu công nghiệp, Logistic khả năng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định này.

Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Rất ít cổ phiếu có tiến triển giá tốt trong tuần này nhưng nếu bắt đáy hợp lý thì cũng có thể đạt được lợi thế tốt. Anh chị có tăng tỷ trọng cổ phiếu lên khi giá giảm?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo quan điểm của tôi, VN-Index sẽ sớm vượt đỉnh 1130 với sự trở lại dẫn dắt của dòng cổ phiếu ngân hàng và nhóm vốn hóa lớn, xa hơn VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử 2007, tiến tới vùng 1200 trong nửa đầu tháng 4.

Sau đó sẽ bắt đầu vào giai đoạn điều chỉnh và tiếp tục bật tăng trở lại vào cuối quý 3.

Do đó, tôi vẫn tích lũy thêm các cổ phiếu khi xảy ra các phiên điều chỉnh lớn. Nhóm cổ phiếu tôi quan tâm đặc biệt vẫn là nhóm ngân hàng: CTG, VCB, ACB. Dầu khí với GAS và PVS. Bất động sản với DIG, PDR, VIC.

Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank

Một tuần rung lắc liên tục đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình rũ hàng cũng như hoạt động cơ cấu danh mục. Vì vậy, tôi đã tăng tỷ trọng cổ phiếu từ 70% lên 80% trong tuần vừa qua. Tôi kỳ vọng thị trường sẽ vượt đỉnh cũ trong tuần giao dịch kế tiếp và qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư giúp chỉ số vượt đỉnh 11 năm trong tháng 3 này.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi nhận thấy dòng tiền chuyển dịch sang các cổ phiếu vừa và nhỏ, những cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của Vinachem như DRC, CSM, BFC… đã có sức bật tăng. Tận dụng cơ hội trên chúng tôi đã cơ cấu một phần tiền sang những nhóm cổ phiếu trên.