00:30 12/11/2018

Xu thế dòng tiền: Thị trường không thuận, nhà đầu tư nên làm gì?

Nguyễn Hoàng

Diễn biến tiêu cực trong ngày cuối tuần trước khiến các chuyên gia gia tăng thận trọng cao độ. Cắt lỗ và "nằm im" là chiến lược chủ đạo

Diễn biến tiêu cực trong ngày cuối tuần trước khiến các chuyên gia gia tăng thận trọng cao độ. Cắt lỗ và "nằm im" là chiến lược chủ đạo.

Thị trường quay lại đà sụt giảm mạnh về cuối tuần và thanh khoản tiếp tục suy yếu là những biểu hiện được đánh giá tiêu cực. Hiệu ứng "chim sợ cành cong" ở thời điểm thiếu vắng thông tin hỗ trợ là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trong quyết định giải ngân.

Bản thân các chuyên gia tuần qua cũng đã vướng phải những thua lỗ cho các giao dịch ngắn hạn. Do vậy chiến lược trong ngắn hạn là thận trọng quan sát hoặc chỉ giải ngân rất nhỏ. Tuy nhiên diễn biến giảm cũng được xem là cơ hội để lựa chọn các cổ phiếu tốt theo tiêu chí cơ bản để sẵn sàng hành động.

Xu thế dòng tiền: Thị trường không thuận, nhà đầu tư nên làm gì? - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần trước anh chị nhấn mạnh vào yếu tố thanh khoản. Thế nhưng tuần này thanh khoảng càng ngày càng giảm. Nhà đầu tư còn lo sợ điều gì khiến thanh khoản yếu như vậy?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo tôi do thị trường đã trải qua thời gian dài trong down trend, tâm lý nhà đầu tư vừa mới ổn định sau 2 tháng hồi phục ngắn ngủi thì ngay lập tức bị "dội" xuống bởi đợt giảm mạnh tháng 10.

Có thể thấy người lạc quan nhất cũng trở nên đề phòng, cùng với những diễn biến khó lường hơn từ các yếu tố bên ngoài tạo nên tâm lý thận trọng, và hiệu ứng "chim sợ cành cong" là những yếu tố chính tạo nên tình trạng thanh khoản sụt giảm hiện nay.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tôi cho rằng dòng tiền yếu trên thị trường khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tháng cuối năm nay trở nên "mong manh" hơn. Mặt khác, triển vọng năm sau vẫn đang được nhìn nhận là kém tích cực hơn năm nay trong bối cảnh những bất ổn trong khu vực cũng như trên thế giới gây ra bởi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gây áp lực đáng kể lên việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2019.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý 3 đã khép lại với phần lớn các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan nhưng thị trường không phản ứng tích cực. Thời điểm trũng thông tin quay trở lại càng làm cho động lực để thị trường đi lên dường như không có. Tất cả những áp lực trên càng khiến cho thị trường kém thanh khoản.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên Cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Theo đánh giá của chúng tôi, có 4 nguyên nhân chính khiến cho thị trường Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua có phản ứng tiêu cực đến như vậy:

(1) Lo ngại về việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu có thể gây ra áp lực lạm phát khó kiểm soát trong năm 2019;

(2) Kết quả báo cáo quý 3 của nhiều doanh nghiệp không được như kỳ vọng dẫn đến hiện tượng xả hàng mạnh;

(3) Lo ngại tỷ lệ nợ xấu đặc biệt là nợ nhóm 5 (nhóm không có khả năng thu hồi) ở các ngân hàng tiếp tục có xu hướng gia tăng mạnh trong hai tháng cuối quý 4/2018;

(4) Lo ngại về lãi suất tiếp tục gia tăng vào cuối năm 2018;

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Sau tuần hồi phục mạnh trước đó, VN-Index đã bắt đầu tiếp cận các vùng kháng cự mạnh về mặt kỹ thuật trong tuần này. Trong bối cảnh đó, diễn biến của nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng và một vài cổ phiếu blue-chips... lại có dấu hiệu chuyển biến theo hướng tiêu cực nhiều hơn.

Mặt khác, thị trường vẫn đang phải đối mặt với các thông tin không mấy tích cực từ thị trường thế giới trong khi thiếu vắng các thông tin hỗ trợ. Những yếu tố trên khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng và có phần lo ngại rủi ro thị trường quay trở lại xu hướng giảm điểm.

Xu thế dòng tiền: Thị trường không thuận, nhà đầu tư nên làm gì? - Ảnh 2.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhà đầu tư nước ngoài tuần này cũng đã giảm bán rất nhiều và quay lại mua ròng nhẹ. Tuy vậy chính khối ngoại cũng giảm giao dịch rất đáng kể giống như nhà đầu tư trong nước. Theo anh chị điều này có đáng ngại không?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Nhà đầu tư ngoại thường giao dịch khoảng 15-20% giá trị giao dịch thị trường nhưng mang tính dẫn dắt thị trường rất cao. Bản thân khối ngoại tuần này chuyển từ bán ròng sang mua ròng nhưng mức độ tham gia thị trường giảm sút cho thấy họ cũng đang rất thận trọng với diễn biến chung của thị trường.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi mà dòng tiền rút dần ra khỏi thị trường trong diễn biến chung không mấy tích cực của thị trường chung.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Chúng tôi nhận định việc này không đáng ngại trong trung - dài hạn do thị trường Việt Nam nhìn chung vẫn được đánh giá là ổn định so với khu vực và trên thế giới đồng thời lại nhận được sự hậu thuẫn khá tốt bởi các yếu tố vĩ mô khả quan.

Do đó, trong khi dòng vốn ngoại có xu hướng bị rút mạnh ra khỏi các thị trường mới nổi thì Việt Nam vẫn được bơm thêm 2,89 tỷ USD tính từ đầu năm 2018. Chưa dừng lại ở đó, dòng vốn ngoại hiện vẫn đang "nằm vùng chờ thời" hơn 1 tỷ USD để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt theo số liệu của Ủy ban chứng khoán.

Như vậy, khối ngoại có nhiều khả năng chỉ đang tạm thời "nghỉ nghơi" trong bối cảnh các tác động tiêu cực vẫn còn khá nhiều. Việc này có thể gây ra tác động ngắn hạn lên thị trường khi mà mức thanh khoản chung sẽ trở nên kém hơn; lại càng khiến thị trường thiếu đi lực đỡ cần thiết.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Hoạt động mua ròng của khối ngoại trong tuần qua đã có tác động hỗ trợ khá tốt đối với tâm lý nhà đầu tư trên thị trường. Tuy nhiên, quy mô giao dịch của khối này khá khiếm tốn và chưa tạo ra được ảnh hưởng rõ nét đến xu hướng hồi phục của thị trường.

Theo tôi dù hoạt động của khối ngoại vẫn sẽ có vai trò quan trọng đối với diễn biến tâm lý của thị trường  nhưng dòng tiền nội mới là yếu tố quyết định đến xu hướng chính của thị trường trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo quan điểm của tôi việc nước ngoài mua ròng hiện nay là "ánh sáng cuối đường hầm". Bối cảnh thị trường tài chính thế giới nhiều biến động, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thông thường dòng tiền sẽ có thiên hướng rút ra, tuy nhiên chúng ta đang được nhìn thấy điều ngược lại, cho thấy vĩ mô Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư ngoại vẫn đang được đánh giá cao. Còn việc họ giao dịch ít lại cũng là thuận theo thị trường, nên tôi không lo ngại về yếu tố này.

Xu thế dòng tiền: Thị trường không thuận, nhà đầu tư nên làm gì? - Ảnh 3.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Câu chuyện mới duy nhất lúc này có lẽ là lãi suất đang nóng dần lên vào dịp cuối năm. Liệu đây có phải là yếu tố kìm hãm cơ hội đi lên, vì các yếu tố bên ngoài dường như đã hết bất ngờ?

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Đây chắc chắn sẽ là một yếu tố kìm hãm cơ hội đi lên của thị trường do một phần dòng tiền sẽ bị rút ra để tìm tới các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu trong bối cảnh cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường đang ngày càng ít đi.

Mặc dù FED đã không nâng lãi suất trong tháng 11 nhưng vẫn có khả năng cao (lên tới 75%) sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất cơ bản lên trong cuộc họp tháng 12. Chúng tôi nhận định việc này sẽ  tiếp tục gây áp lực lên sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tỷ giá USD/VND và tỷ lệ lạm phát (mặc dù mức ảnh hưởng có thể sẽ không đáng kể).

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Đồng quan điểm, tôi cho rằng, xu hướng tăng dần của lãi suất vẫn đang và sẽ tiếp tục là mối lo ngại thường trực đối với diễn biến của thị trường chứng khoán. Xu hướng biến động của lãi suất cũng là yếu tố cần phải được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Lãi suất tăng ngoài chu kỳ cuối năm, theo tôi một phần không nhỏ là tác động từ xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Đây cũng có thể là nguyên  nhân kìm hãm đà tăng, khi mà các doanh nghiệp có tỷ lệ dư nợ cao có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong thời gian tới.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Lãi suất tăng nhẹ cho thấy Ngân hàng nhà nước bước đầu thắt chặt tiền tệ. Điều này không có lợi cho thị trường chứng khoán khi mà các doanh nghiệp niêm yết nói riêng nền kinh tế nói chung chịu chi phí lãi suất cao hơn khiến lợi nhuận biên sẽ giảm đi và kéo theo lợi nhuận sẽ giảm sút.

Xu thế dòng tiền: Thị trường không thuận, nhà đầu tư nên làm gì? - Ảnh 4.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhà đầu tư đang thua lỗ khá nhiều trong ngắn hạn và tâm lý rất xấu. Theo anh chị nên làm gì lúc này? Vị thế của anh chị hiện như thế nào, đã tăng cổ phiếu lên hay chưa?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Chúng tôi vẫn lựa chọn đứng ngoài từ phiên 11/10 khi xu hướng tăng của thị trường bị bẻ gẫy.  Việc tham gia bắt đáy 20% tài khoản tuần trước đã không mang lại lợi nhuận thậm chí lỗ nhẹ. Phiên thứ sáu tuần cuối tuần với lực bán mạnh về cuối phiên đã làm gẫy xu hướng tăng ngắn hạn từ cuối tháng 10. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu và quan sát diễn biến tại ngưỡng hỗ trợ 870 điểm.

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Nghiên cứu phân tích, Chứng khoán Vietinbank

Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh trong giai đoạn này và không nên bán tháo quá mức các cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan. Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng khi tham gia vào các giao dịch ngắn hạn và không nên giải ngân quá 25% danh mục đầu tư của mình

Nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục theo dõi thị trường và canh các điểm mua vào hợp lý của các cổ phiếu mà mình đang nắm giữ. Tỷ trọng danh mục duy trì trong khoảng 40% - 50%.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thị trường đã có quãng thời gian giảm điểm khá nhiều, một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng tốt, cơ cấu tài chính lành mạnh cùng với đó là duy trì tỷ lệ chia cổ tức cao là những doanh nghiệp nên chú ý trong thời gian tới.

Tức là nhà đầu tư nên tìm kiếm các cổ phiếu như trên để chờ thời điểm mua vào khi có giá hấp dẫn, trong trường hợp danh mục không nằm trong tiêu chí trên thì nên cân nhắc cơ cấu. Và chưa dùng margin trong bối cảnh hiện tại.

Hiện tại tôi vẫn giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp, và đang chờ đợi cơ hội mua vào ở các cổ phiếu có những tiêu chí trên.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng của mình ở mức 30% cổ phiếu.