Xu thế dòng tiền: Vượt đỉnh được không?
Thị trường đang giằng co trong vùng đỉnh chưa rõ ràng và chính các chuyên gia cũng khác biệt trong đánh giá
Thị trường đang giằng co trong vùng đỉnh chưa rõ ràng và chính các chuyên gia cũng khác biệt trong đánh giá.
Đánh giá về cơ hội vượt đỉnh của thị trường, quan điểm lạc quan chiếm ưu thế với nhiều lý do được đưa ra. Trong đó nổi bật là sức mạnh dòng tiền bắt đáy cổ phiếu trong các nhịp điều chỉnh về mức hỗ trợ rất tốt. Thị trường Việt Nam có nhiều biểu hiện mạnh hơn tình hình thế giới.
Quan điểm thận trong lo lắng về sức mạnh của thị trường khi thanh khoản suy giảm đáng kể tại vùng đỉnh cũ. Thậm chí thị trường có thể tạo một nhịp vượt đỉnh "giả" trước khi điều chỉnh.
Hai diễn biến quan trọng của thị trường tuần qua là khả năng điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và động thái bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài được các chuyên gia nhìn nhận khá thận trọng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá rất cao trong trung dài hạn nhưng có khả năng bị chốt lời ngắn hạn. Đây vẫn sẽ là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường thời gian tới.
Diễn biến dòng vốn ngoại rút ròng có thể liên quan tới biến động tỷ giá trong ngắn hạn và hoạt động tái cơ cấu danh mục. Tuy nhiên cũng có quan điểm tỏ ra thận trọng với diễn biến này và cho rằng thị trường có thể bị ảnh hưởng.
Phù hợp với nhận định nói trên, các chuyên gia phân hóa đáng kể trong việc nắm giữ danh mục. Quan điểm thận trọng xác nhận việc chốt lời đáng kể trong vùng hiện tại và chỉ nắm giưỡ 30-50% danh mục là hợp lý. Trong khi đó, các chuyên gia còn lại vẫn duy trì 70%-100% cổ phiếu.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Một tuần hầu như thị trường chỉ đi ngang trong biên độ hẹp và không chịu tác động sốc nào từ thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo anh chị đó có thể xem là dấu hiệu mạnh mẽ hay không?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Về mặt kỹ thuật, thị trường đang gặp ngưỡng kháng cự rất mạnh tại vùng 1.120 - 1.130 điểm, chính vì vậy việc chỉ số VN-Index đi ngang trong biên độ hẹp là hoàn toàn dễ hiểu.
Hiện tại, đa số nhà đầu tư đều tỏ ra thận trọng trong kế hoạch giao dịch của mình, điều này thể hiện qua khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp trong tuần qua. So với khối lượng giao dịch kỷ lục của ngày 25/1/2018 thì hiện nay thanh khoản chỉ còn một nửa, yếu tố này làm tôi cảm thấy lo lắng về sức mạnh của thị trường.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Một tuần không mấy bình yên đối với thị trường chứng khoán toàn cầu và cũng là thời gian trầy trật của chỉ số Vnindex ở sát vùng đỉnh.
Đối với thị trường thế giới, chỉ số Dow Jones có tới 4 phiên giảm liên tiếp xung quanh câu chuyện FED dự kiến tăng lãi suất, lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm được dự báo tăng cho đến nỗi lo về cuộc chiến thương mại.
Ở thị trường trong nước là câu chuyện nước ngoài bán ròng trong tháng 2 và những ngày đầu tháng 3 cho đến những dự báo lo ngại về triển vọng của thị trường trong trung hạn hoặc mô hình 2 đỉnh trong ngắn hạn.
Bất chấp nhiều thông tin bất lợi từ thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, chỉ số VN-Index vẫn có mức tăng 1,7% trong tuần vừa qua, theo thống kê (index.org) với thời gian 3 tháng (16,75%), 6 tháng ( 42,15%) và kể từ đầu năm tới nay (13,92%), chỉ số VN-Index luôn nằm trong Top 3 thị trường chứng khoán toàn cầu.
Điểm đáng ghi nhận trong tuần vừa qua được thể hiện ở: 1) tâm lý nhà đầu tư đã có sự biến chuyển đáng kể và hướng nội hơn. Nhà đầu tư đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ các đợt bán tháo của thị trường chứng khoán toàn cầu và chuỗi giảm điểm của chỉ số Dow Jones, việc chỉ số Dow Jones có tới 4 phiêm giảm mà VN-Index chỉ có 1 phiên giảm trong tuần là điều không phải vừa; 2) Đã có sự đổi trụ thành công khi nhạc trưởng ngân hàng có dấu hiệu bị chốt lời ngắn hạn; 3) Đã có sự lan tỏa của dòng tiền sang các nhóm cổ phiếu khác ngoài ngân hàng như bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí,...; 4) Nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh: VCB, HPG, VIC, DXG…. Ở những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán đều bị lực cầu nội cân hết trong phiên; 5) Theo kỹ thuật thì VN-Index đã có chuỗi tích lũy cả tuần ở ngay sát vũng đỉnh cũ, tạo dự địa cho việc vượt đỉnh. Tất cả những điểm sáng trên chứng tỏ thị trường đang có những dấu hiệu mạn, là điểm cộng cho kịch bản vượt đỉnh.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần qua, VN Index liên tục có những phiên biến động do tâm lý chốt lãi trước diễn biến tiêu cực từ thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, điểm lạc quan là khác với phiên giao dịch hoảng loạn ngày 5/2, VN-Index đã có lực mua mạnh ở những nhịp giảm sâu đã hỗ trợ cho các chỉ số tích lũy tích cực.
Đi ngược với diễn biến của thị trường thế giới và hoạt động bán ròng của khối ngoại, VN-Index vẫn giao dịch ở biên độ 1103 -1130 nhờ hoạt động dẫn dắt của dòng cổ phiếu ngân hàng và dòng Bue-chip. Phiên cuối tuần dòng tiền đã có sự lan tỏa sang dòng bất động sản.
Với diễn biến khá tích cực trong tuần qua, chúng tôi cho rằng VN-Index đang tích lũy và sẽ vượt đỉnh ngắn hạn trong 1-2 tuần tới.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn sau khi đã tăng rất mạnh. Đây là nhóm cổ được anh chị quan tâm và đánh giá cao nhất thời gian qua và có vai trò dẫn dắt rất lớn. Liệu nhóm này chỉ là điều chỉnh ngắn hạn hay đã tạo đỉnh?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Nhóm ngân hàng năm 2018 vẫn được chúng tôi đánh giá cao nhất và có vai trò như nhạc trưởng của thị trường, triển vọng về lợi nhuận của nhóm này trong năm nay sẽ là sự khởi đầu cho chu kỳ bứt phá.
Vì vậy ở thời điểm này, sau khi đã tăng mạnh thì việc chốt lời là diễn biến bình thường, việc điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết để tăng trưởng bền vững hơn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Theo quan sát của chúng tôi, dòng ngân hàng vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường. Một số ngân hàng đã vượt đỉnh trong thời gian qua như VCB, CTG, MBB, BID, VIB càng trở nên mạnh mẽ hơn khi về ngưỡng hỗ trợ dòng tiền lại mua vào.
Theo chúng tôi, ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chỉ số trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Đúng như các đánh giá của tôi vào giữa năm 2017, nhóm cố phiếu ngân hàng đã thu hút dòng tiền rất mạnh và dẫn dắt thị trường trong một thời gian dài. Tuy nhiên sau một giai đoạn tăng giá rất nhanh, tôi cho rằng đã có những rủi ro ngắn hạn đối với nhóm cổ phiếu này.
Chưa thể nói nhóm này đã tạo đỉnh hay chưa, nhưng chắc chắn một điều rằng nhóm cổ phiếu ngày rất khó có những đợt tăng giá nóng như thời gian qua. Cá nhân tôi cũng tư vấn khách hàng chốt lời 50% số lượng cổ phiếu ngân hàng đang nắm giữ, tuần tới khả năng sẽ chốt tiếp 20 – 30%, phần còn lại sẽ theo dõi tiếp.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Câu hỏi lớn lúc này được nhiều nhà đầu tư quan tâm là đã 1 tuần trôi qua mà VN-Index không thể vượt được đỉnh 1130 điểm. Từ góc độ kỹ thuật, anh chị đánh giá khả năng nào lớn hơn, thị trường sẽ tạo mô hình hai đỉnh hay sẽ đột phá thành công?
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tuần qua VN-Index đã chính thức vượt đỉnh và tiếp tục giao dịch tích lũy. Dòng tiền vào thị trường đã có sự lan tỏa, không chỉ tập trung vào ngân hàng mà còn có ngành chứng khoán, bất động sản dẫn dắt thị trường.
Với diễn biến khá tích cực, chúng tôi đánh giá thị trường sẽ vượt đỉnh ngắn hạn với đích đến là 1170 điểm trong 1-2 tuần tới.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Như tôi đã phân tích ở trên thì thị trường đang có những dấu hiệu mạnh, thị trường đã có sự tích lũy cả tuần trước ngưỡng cửa lịch sử, bên cạnh đó việc đóng cửa phiên cuối tuần ở mức gần cao nhất cùng với thanh khoản được cải thiện càng củng cố cho kịch bản vượt đỉnh, vì vậy khả năng đột phá vượt đỉnh là cao hơn cả.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như đã nói ở trên, về mặt kỹ thuật thị trường đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh và không dễ dàng gì để vượt qua. Với các dữ liệu đang có chưa thể khẳng định chỉ số VN-Index đã tạo ra mô hình hai đỉnh vì đường giá chưa rớt xuống khỏi đường Neckline (vùng 1.000 điểm).
Thông thường theo lý thuyết trò chơi, các mô hình kỹ thuật sẽ ít khi hoàn thiện mà sẽ có sự biến thiên nhất định, chẳng hạn như thị trường sẽ bứt mạnh qua vùng 1.130 điểm để tạo tâm lý vượt đỉnh, sau đó mới điều chỉnh.
Chính vì vậy, với kinh nghiệm cá nhân, tôi thường chốt lãi quyết đoán ở vùng này theo tỷ trọng từ 50 - 70%, đồng thời hạn chế các giao dịch trading để không bị thị trường chi phối. Sau đó bình tĩnh quan sát từ 3 đến 4 tuần để đưa ra các quyết định tiếp theo.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra ròng liên tục nhiều tuần nay. Anh chị có lo ngại biểu hiện này hay không?
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục trong nhiều tuần nay đã có thời điểm trùng với việc tỷ giá USD/VND có xu hướng đi lên trong tháng 2 sau một thời gian dài ổn định. Tuy nhiên đây chỉ là biến động tạm thời và tỷ giá dự báo sẽ giảm trở lại trong tháng 3.
Bên cạnh đó việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đối với những mã như HPG hay VRE…nhiều khả năng là cơ cấu danh mục hơn là bán ròng. Vì vậy, tôi cho rằng chưa có cơ sở để lo ngại dòng vốn nước ngoài bị rút ra khỏi thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Mặc dù dòng tiền trong nước thời gian qua khá mạnh nhưng bất kỳ đợt bán ròng nào của nhà đầu tư nước ngoài đều gây ra áp lực điều chỉnh cho thị trường. Chính vì vậy, tôi khá lo lắng về xu thế bán ròng trong đợt này.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Mặc cho khối ngoại bán ròng gần 1.200 tỷ tuần qua, đạt mức bán ròng mạnh nhất trong vòng 3 năm qua nhưng nội lực của thị trường VN-Index khá tốt khi chỉ có sự giảm điểm trong phiên và lực mua tại ngưỡng giảm sâu đã giúp cho thị trường hồi phục trở lại.
Việc nước ngoài liên tục bán ròng cũng là điểm quan ngại, tuy nhiên việc thị trường vẫn diễn biến tích cực thì việc bán ròng của khối ngoại hiện chưa đáng phải lo lắng lắm.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thị trường đang ở trong vùng khá nhạy cảm trong tuần qua, anh chị giao dịch thế nào, tỷ trọng phân bổ vốn bao nhiêu lúc này?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Tôi chốt lời và quan sát, không mạo hiểm ở thời điểm hiện tại. Tôi sẽ ưu tiên giữ lại các cổ phiếu Midcap có cơ bản tốt, nhóm Largecap, banks sẽ chốt lời mạnh. Tỷ trọng nắm giữ chỉ từ 30 - 50% cổ phiếu.
Ông Ngô Quốc Hưng, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, thị trường đang có cơ hội vượt đỉnh cũ khi có nhiều thông tin hỗ trợ từ mùa đại hội cổ đông. Cơ hội sẽ đến cho số đông nhà đầu tư khi dòng tiền đang có dấu hiệu lan tỏa, tập trung vào việc tìm kiếm các cổ phiếu hơn là phụ thuộc diễn biến chỉ số, nắm giữ và trading trên vị thế hiện có là chiến lược giao dịch trong lúc này. Trên cơ sở đó tôi duy trì tỷ trọng 70% là cổ phiếu trong danh mục.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Với tâm lý lạc quan vào thị trường, chúng tôi tiếp tục duy trì 100% cổ phiếu trong danh mục và không sử dụng margin. Danh mục chủ yếu tập trung vào ngân hàng, tài chính chứng khoán, dầu khí.