16:23 12/03/2019

Xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm mạnh trong tháng 2

Duyên Duyên

Giá xuất khẩu cao su trong tháng 2/2019 cũng giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 1.300 USD/tấn

Dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ tăng chậm lại, còn khoảng 1%/năm trong năm 2019 và năm 2020. Ảnh minh họa
Dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ tăng chậm lại, còn khoảng 1%/năm trong năm 2019 và năm 2020. Ảnh minh họa

So với tháng 1/2019, xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 2 chỉ đạt 60 nghìn tấn, trị giá 78 triệu USD, giảm 61,8% về lượng và giảm 61% về trị giá.

Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2/2019 tăng 18,2% về lượng và tăng 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Lũy kế hai tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 217 nghìn tấn, trị giá 278 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 13% xuống còn 1.279 USD/tấn.

Trong tháng 1/2019, hầu hết các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2018 (trừ SVR 10, SVR CV60, RSS3, Skim block, SVR CV50).

Trong đó, xuất khẩu cao su tổng hợp đứng đầu về chủng loại cao su xuất khẩu trong tháng 1/2019, với khối lượng đạt 91,56 nghìn tấn, trị giá 117,02 triệu USD, giảm 4,1% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với tháng 12/2018. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2018 lại tăng 41,3% về lượng và tăng 22,8% về trị giá, chiếm 58,2% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.

Trong tháng 1/2019, một số chủng loại cao su có lượng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018 là cao su SVR 20 tăng tới 253,3%, Latex tăng 35,3%, RSS 1 tăng 96,1%, SVR 3L tăng 7,3%...

Ngược lại, lượng cao su SVR CV60 xuất khẩu giảm 13,2%, cao su CVR 10 giảm 25,6%, Skim block giảm 90,5%, RSS3 giảm 35,2% và cao su SVR CV50 giảm 30,8%…

Về giá xuất khẩu, nhìn chung tháng 1/2019, giá xuất khẩu các mặt hàng cao su đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cao su Skim block có giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh nhất, giảm 23,1%, Latex giảm 18,5%, giá cao su SVR 10 giảm 12,1%, SVR 3L giảm 13,8%, SVR CV60 giảm 13,8%...

Mặt khác, theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 2/2019, giá cao su trên

thị trường thế giới biến động theo xu hướng tăng. Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), tháng 2/2019 giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2019 có xu hướng tăng và đạt mức cao nhất trong hơn 9 tháng qua.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/02/2019, giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2019 giao dịch ở mức 193,9 Yên/kg(tương đương 1,75 USD/kg), tăng 5,7% so với cuối tháng 1/2019.

Giá cao su kỳ hạn giao tháng 3/2019 tại Thượng Hải trong tháng 2/2019 cũng biến động mạnh. Giá đạt mức thấp nhất vào ngày 1/2/2019 ở mức 11.300 NDT/tấn. Chốt phiên giao dịch ngày 26/02/2019, giá cao su kỳ hạn giao tháng 3/2019 giao dịch ở mức 12.180 NDT/tấn (tương đương 1,81 kg/tấn), tăng 5,3% so với cuối tháng 1/2019.

Tại Thái Lan, tháng 02/2019, giá cao su RSS3 cũng trong xu hướng tăng liên tiếp.

Giá cao su tăng được cho là do thị trường kỳ vọng các nước xuất khẩu cao su hàng đầu thế giới cắt giảm sản lượng và sự lạc quan về kết quả thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Các nước sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới thuộc Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên (ITRC), gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong cuộc họp diễn ra trong tháng 2/2019 đã thống nhất sẽ giảm xuất khẩu 300.000 tấn cao su để hỗ trợ giá. Ba quốc gia này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su tự nhiên trên toàn cầu.

Trong khi đó, Cơ quan phân tích thuộc The Economist (EIU) dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ tăng chậm lại, còn khoảng 1%/năm trong năm 2019 và năm 2020 do tồn kho cao và giá thấp kéo dài trong thời gian qua (sản lượng năm 2018 ước tính tăng 1,7%).

Mức tăng trưởng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2019 và 2020 dự báo sẽ chậm lại, còn 2,5%/năm, con số đưa ra thấp hơn mức tăng trưởng ước tính 4% của năm 2018, nguyên nhân bởi kinh tế thế giới tăng chậm dần, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ có khả năng sẽ yếu đi trong năm 2019.

Bên cạnh đó, bất cứ động thái nào của Hoa Kỳ áp thuế lên ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc đều có thể tác động tiêu cực tới nhu cầu cao su tự nhiên, nhất là trong ngắn hạn, trong bối cảnh các chuỗi cung ứng có sự điều chỉnh.

Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), trong năm 2018, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên (NR) tăng 5,2% so với năm 2017, lên 14,01 triệu tấn. Trong khi đó, nguồn cung mặt hàng này tăng 4,6%, lên 13,96 triệu tấn. Như vậy, thế giới đã bị thiếu hụt 57 nghìn tấn cao su tự nhiên trong năm 2018.