21:17 09/04/2018

Xuất khẩu cao su quý 1: Lượng tăng nhưng kim ngạch giảm

Nguyễn Huyền

Tháng 3/2018, xuất khẩu cao su ước đạt 90 nghìn tấn, trị giá đạt 136 triệu USD, tăng 37% về lượng nhưng giảm 1,3% về trị giá so với tháng 3/2017

Tính đến ngày 15/3/2018, giá xuất khẩu cao su trung bình ở mức 1.477 USD/tấn, thấp hơn 27,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 15/3/2018, giá xuất khẩu cao su trung bình ở mức 1.477 USD/tấn, thấp hơn 27,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế, quý 1/2018, xuất khẩu cao su ước đạt 275 ngàn tấn, trị giá đạt 409 triệu USD, tăng 10,5% về lượng, nhưng giảm 19,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu giảm mạnh

Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt 53,4%, 8,4% và 6,9%. Các thị trường có giá trị xuất khẩu cao su tăng mạnh là Ấn Độ (gấp 3,8 lần), Malaysia (29%) và Indonesia (18,1%).

Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh

Tính đến ngày 15/3/2018, giá xuất khẩu cao su trung bình ở mức 1.477 USD/tấn, thấp hơn 27,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm trước. Giá cao su xuất khẩu trung bình trong năm 2017 đạt khoảng 1.628 USD/tấn.

Giá cao su xuất khẩu giảm mạnh khiến giá  cao su  nguyên  liệu trong nước trong tháng 3 giảm theo xu hướng chung của thị trường thế giới. Cụ thể, cuối tháng 3/2018, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đồng Nai giao dịch ở mức 13.000 đ/kg, giảm 200 đ/kg so với đầu tháng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su các loại đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, xuất khẩu cao su tổng hợp giảm 14,3% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, đây vẫn là mặt hàng có khối lượng xuất khẩu đạt cao nhất với 86 ngàn tấn, trị giá đạt 126,61 triệu USD. xuất khẩu cao su tổng hợp giảm là do nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc - thị trường xuất khẩu cao su tổng hợp chủ yếu của Việt Nam - giảm mạnh. 

Theo các chuyên gia, giá cao su trên thị trường thế giới giảm là do tồn kho cao su tại Trung Quốc tăng. 10 ngày giữa tháng 3/2018, giá cao su trên thị trường thế giới biến động theo xu hướng giảm bởi tồn kho cao su tại Trung Quốc tăng cao.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, giá cao su có thể sẽ ổn định và có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn do nguồn cung cao su toàn cầu đang trong giai đoạn thấp điểm, vì cây cao su đang bước vào giai đoạn thay lá và cho năng suất thấp.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam

Thời gian qua, khối lượng xuất khẩu cao su từ Việt Nam sang Trung Quốc đã  giảm đến 2 con số, khiến thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm theo.

Nhận định thị trường cao su trong cả năm 2018, Bộ Công Thương cho rằng, sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi nhu cầu tiêu thụ cao su của Trung Quốc có thể chậm lại và ngành công nghiệp ôtô nước này dường như đã đạt ngưỡng.

Theo Trung tâm Thông tin Hải quan Trung Quốc, 2 tháng đầu năm 2018, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 2,62 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2017. 

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp lớn thứ 3 với kim ngạch đạt 226,3 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, thị phần nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đã giảm xuống mức 8,6% so với mức 10,5% của cùng kỳ năm 2017. 

Trong khi, Trung Quốc tăng nhập khẩu cao su từ các thị trường khác như: Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức...

Ngoài sự sụt giảm ở thị trường chủ lực Trung Quốc, xuất khẩu cao su sang các nước thuộc EU cũng bị sụt giảm cả lượng và trị giá, nhưng ngược lại xuất sang các nước châu Á và Đông Nam Á lại tăng.

Tuy là nước có sản lượng cao su thiên nhiên đứng thứ 5 thế giới, chiếm 7,4% tổng sản lượng toàn cầu và là nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới, song, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu cao su. 

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong quý I/2018 đạt 157 ngàn tấn với giá trị 279 triệu USD, tăng 29,3% về lượng và tăng 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu là Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản và Thái Lan chiếm 53,7% thị phần. 

Trong những tháng đầu năm 2018, giá trị cao su ở một số thị trường nhập khẩu chính giảm. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất là Nga với mức giảm là 38,4%, tiếp đến là thị trường Capuchia giảm 26,2% và thị trường Nhật Bản giảm 20,8%. 

Ngược lại, một số thị trường có giá trị nhập khẩu tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là Malaysia tăng gấp hơn 2 lần, Trung Quốc tăng 52,3% và Thái Lan tăng 17%.