10:17 23/01/2019

Xuất khẩu gạo rộng cửa quý đầu năm

Chu Khôi

Nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý 1/2019 sẽ tăng tại các thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai

Đã có 166 công ty Philippines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng xin mua gạo Việt Nam.
Đã có 166 công ty Philippines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng xin mua gạo Việt Nam.

Chiều 22/1/2019, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản họp báo "Thông tin thị trường nông sản năm 2018, dự báo năm 2019". Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng gạo, tiêu, thủy sản, đồ gỗ... sẽ rất thuận lợi trong năm mới, đặc biệt mặt hàng gạo đã có nhiều đơn hàng từ Philippines và Indonesia ngay từ những ngày đầu năm.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý 1/2019 sẽ tăng tại các thị trường truyền thống là Philippines và Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai.

Sau khi Philippines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty Philippines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng xin mua gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của Philippines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN. 

Tuy việc xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ dễ dàng hơn, nhưng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc - thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch; tăng cường đầu tư sản xuất gạo tại các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.

Đề cập về mặt hàng trái cây, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2018 đạt kỷ lục 3,8 tỷ USD. Từ tháng 12/2018 đến nay, thị trường rau quả khá sôi động chuẩn bị cho những dịp lễ, Tết cuối năm. 

Nhìn lại năm 2018, thị trường trái cây của Việt Nam được xem là năm có nhiều thuận lợi, nên sản lượng nhiều loại trái cây như vải, nhãn, cam, xoài, chôm chôm... đều tăng cao so với các năm. Tuy nhiên, đầu ra vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Những tháng gần đây, Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất tiểu ngạch.

Đó chính là lý do, xuất khẩu rau quả không thể tăng mạnh ở mức trên 40% như các năm trước. Sang năm 2019, rau quả, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các điều kiện khắt khe hơn.

Với mặt hàng tiêu, giá vẫn biến động giảm trong tháng 12/2018. So với thời điểm kết thúc tháng 12/2017, hiện giá tiêu thấp hơn 19-20 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, dự báo giá tiêu có thể sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2019, do sản lượng hạt tiêu ở các nước xuất khẩu chính sẽ giảm. Cả 4 nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới: Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm sản lượng thu hoạch so với năm 2018.

Trong đó, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2019 được kỳ vọng sẽ đạt 175 nghìn tấn tiêu đen và 25 nghìn tấn tiêu trắng, so với năm trước, sản lượng hạt tiêu của nước ta sẽ thấp hơn do một số diện tích trồng tiêu đã bị nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng cây khác.

Ở mặt hàng điều, xuất khẩu năm 2018 giảm 8,1% về lượng và 9,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu hạt điều năm 2018 đạt khoảng 9.167 USD/tấn, giảm 6,9% so với năm 2017. Tuy nhiên, từ giữa tháng 12/2018 đến nay, giá hạt điều đã tăng lên. Nhận định, hiện nay, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đang trong giai đoạn có nhiều kỳ nghỉ lễ lớn, nên giao dịch hạt điều diễn ra chậm hơn. Các hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn tháng 1-2/2019 đã được thực hiện ở khâu sản xuất, do đó, nhu cầu hạt điều dự kiến sẽ yếu trong thời gian tới.

Mặt hàng cao su xuất khẩu trong năm vừa qua đã tăng 13,3% về lượng, nhưng giảm 7% về kim ngạch, đạt 2,1 tỷ USD. Từ tháng 12/2018 đến nay, giá cao su có dấu hiệu tăng nhẹ cùng với xu hướng của thị trường cao su thế giới. Nguyên nhân chính dẫn đến sự hồi phục trở lại là do giá dầu thô trên thị trường thế giới có dấu hiệu tăng trở lại.

Bên cạnh đó, các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới dự kiến sẽ có buổi họp mặt để thống nhất các biện pháp hỗ trợ giá cao su trong tháng 1/2019. Tuy vậy, dự báo giá cao su năm 2019 khó có khả năng phục hồi do thiếu yếu tố hỗ trợ, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm.

Xuất khẩu chè của Việt Nam năm 2018 đạt 127 nghìn tấn và 218 triệu USD, giảm 8,6% về lượng và giảm 4,1% về giá trị so với năm 2017. Xuất khẩu chè năm 2019 được dự báo sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn do tình trạng dư cung trên thị trường thế giới.

Theo ước tính của FAO, tổng thặng dư chè sẽ đạt khoảng 128 nghìn tấn vào năm 2020, tăng 53 nghìn tấn so với năm 2018. Trong khi đó, tiêu thụ chè lại không biến động nhiều qua các năm.

Bên cạnh đó, các thị trường khó tính ngày càng tăng cường công tác kiểm tra, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi cho phép nhập khẩu. Do vậy, để nâng cao khả năng cạnh tranh của chè Việt Nam trên thị trường quôc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần tập trung đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân để có được sản phẩm chè đạt chất lượng tốt nhất.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư sâu hơn và công nghệ chế biến để tạo ra sản phẩm chè khác nhau, bắt kịp với xu hướng tiêu thụ chè thế giới.

Đề cập về thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2019, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực trong năm 2019, với khoảng 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3-4 năm. Đây là lợi thế lớn so với các nước khác cùng xuất khẩu thủy sản, bởi mức thuế nhập khẩu của EU hiện khoảng 14%.

Ngoài ra, một số thị trường như Hàn Quốc, ASEAN dự báo trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng cao. Dự báo năm 2019, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tăng trưởng cao, có thể cán đích 10 tỷ USD.