Xuất khẩu hồ tiêu: Đối mặt với rào cản tăng thuế nhập khẩu từ Ấn Độ
Hiệp hội nông dân trồng tiêu Ấn Độ đã kiến nghị Chính phủ nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu tiêu giá rẻ
Năm 2018, ngành hồ tiêu lại đối mặt với việc tăng thuế nhập khẩu từ Ấn Độ - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, nhằm bảo vệ quyền lợi của người trồng tiêu tại Ấn Độ, Bộ Công Thương Ấn Độ vừa thông qua đề xuất của Hội đồng gia vị ấn định giá CIF nhập khẩu tối thiểu (MIP) đối với tiêu là 500 rupi/k (khoảng 7,75 USD/kg).
Thời gian qua, xuất khẩu tiêu của Ấn Độ giảm mạnh vì giá tiêu liên tục tăng cao, làm mất sức cạnh tranh về giá so với tiêu Việt Nam và tiêu Brazil nên người mua buộc phải tìm đến Việt Nam và Brazil với mức giá dễ chịu hơn.
"Không ai có nhu cầu mua tiêu của Ấn Độ với mức giá 7.000 USD/tấn, trong khi giá của Việt Nam chỉ 4.000 USD/tấn và của Brazil là 3.500 USD/tấn" ông Jojan Malayil, CEO Công ty Xuất khẩu Bafna Enterprises khẳng định.
Trước thực tế đó, các tổ chức, hiệp hội nông dân trồng tiêu Ấn Độ đã kiến nghị Chính phủ nhiều biện pháp để hạn chế nhập khẩu tiêu giá rẻ, trong đó có việc áp giá nhập khẩu tối thiểu. Việc áp giá nhập khẩu tối thiểu sẽ giúp cải thiện giá tiêu trong nước, đặc biệt trong bối cảnh mùa thu hoạch tiêu tại Ấn Độ đang đến gần.
Theo ông Trần Đức Tụng, nguyên Chánh văn phòng VPA, cho dù Chính phủ Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu tiêu nhưng sẽ không tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam.
"Trong năm 2017, 3 thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Tuy thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 nhưng Ấn Độ chiếm thị phần không lớn, chỉ khoảng 7% nên việc tăng thuế nhập khẩu sẽ không gây khó cho hồ tiêu Việt Nam", ông Tụng khẳng định.
Hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị phần khu vực châu Á tương đương với châu Âu. Trải qua hàng thập kỷ có mặt tại các châu lục, nhờ giữ được chất lượng nên tiêu Việt Nam đang được các thị trường đòi hỏi chất lượng cao ưa chuộng, tiêu Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Trong khi đó, tiêu xuất khẩu vào thị trường châu Á không đòi hỏi chất lượng cao và tiêu Việt Nam hoàn toàn không lệ thuộc vào thị trường Ấn Độ.
Bên cạnh đó, nông dân trồng tiêu đang hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững và sạch, được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ, EU... chấp nhận. Nhờ vậy, lượng tiêu xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng dần qua từng năm.