12:39 15/01/2018

Xuất khẩu lô hàng thuỷ sản đầu năm 2018

Nguyễn Huyền

Sự kiện này đánh dấu sự bắt đầu cho hành trình tiến tới mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản vào năm 2020

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu bấm nút phát lệnh xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và các đại biểu bấm nút phát lệnh xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu năm 2018.

Để có thể thực hiện mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt ra mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2018 là 8,5 tỷ USD.

Sáng ngày 14/1/2018, tại Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn lần đầu tiên tổ chức sự kiện "Xuất khẩu lô hàng thuỷ sản đầu năm 2018". 

Lô hàng có 3 container với 3 mặt hàng, gồm: 20 tấn tôm đông lạnh, trị giá 290.020 USD xuất đi thị trường Canada; 220 tấn cá biển, trị giá 216.700 USD, xuất đi thị trường Mỹ; và 22 tấn cá tra fillet đông lạnh, trị giá 84.040 USD, đi thị trường EU (Anh).

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, 2017 là một năm đầy thách thức đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một năm liên tiếp xảy ra thiên tai khốc liệt cũng như sự khốc liệt của thị trường thế giới, đã xuất hiện nhiều rào cản, thách thức và cạnh tranh. 

Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp ngành hàng, người dân và toàn xã hội... chúng ta đã có một năm phát triển vượt bậc với chỉ tiêu toàn ngành tăng trưởng đạt 9,2%. 

Đặc biệt, xuất khẩu ngành nông nghiệp đã ghi dấu ấn khi đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay 36,37 tỷ USD. Ngành thủy sản Việt Nam đã đóng góp tích cực cho bức tranh tăng trưởng trong năm 2017.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2018, ngay từ đầu năm ngành đã tập trung quyết liệt, tổng động viên bà con nông dân, các thành phần kinh tế cùng với hiệp hội đã vào cuộc. Nhằm thể hiện quyết tâm cao nhất của toàn ngành và khẳng định rằng, "mục tiêu đó nếu có sự đồng lòng, quyết tâm cao chúng ta hoàn toàn có điều kiện đạt được".

Trong năm 2018 được dự báo sẽ có rất nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, ở khu vực khai thác, Việt Nam đang bị thẻ vàng IUU của EU. Thứ hai, ngành thuỷ sản đang tổ chức lại từ một nền sản xuất khai thác ngư nghiệp toàn dân sang một nền khai thác phát triển bền vững. 

Bên cạnh đó, chúng ta đang trên lộ trình thực hiện Luật Thủy sản mới, với những chương trình hành động để khắc phục thẻ vàng IUU. Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu toàn ngành và các địa phương phải tổ chức thực hiện.

Sức sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng là rất tốt, tuy nhiên, việc khống chế lưu lượng kháng sinh, các tạp chất đang là vấn đề nhức nhối mà chúng ta cần phải tập trung xử lý cho được. Cùng với đó, chúng ta có một nền tảng rất thuận lợi đó là các thiết chế hạ tầng, phương thức sản xuất, tổ chức ngành hàng trong những năm qua và đến nay là khá tốt.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2018, các thành phần kinh tế đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng đã chú ý vào các giải pháp khai thác tốt các lợi thế do các FTA mang lại. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã cùng với các cơ quan của Chính phủ, một mặt tập trung khai thác tốt hơn những thị trường truyền thống, mặt khác tiếp tục khai mở những thị trường có dư địa tiềm năng lớn.

Ví dụ, vừa qua tập trung vào các thị trường: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng với hai thị trường truyền thống là Mỹ và EU. 

Sắp tới, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu những thị trường mới có tiềm năng như thị trường Ấn Độ, Trung Quốc và khối ASEAN... Đây là những thị trường đầy tiềm năng nhưng khai thác chưa được nhiều, sắp tới cần tập trung các giải pháp để từng bước khai thác tốt các thị trường này.