10:50 06/12/2018

Xuất khẩu rau quả: Mục tiêu 10 tỷ USD vào 2025 ngày càng xa

Chu Khôi

Dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số trên 42,4% của năm 2017

Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018.
Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tục tăng trưởng trên 30%/năm trong 4 năm gần đây, đặc biệt năm 2017 tăng tới 42,42% so với năm 2016. Thế nhưng, 11 tháng đầu năm nay tuy vẫn tăng nhưng không được như kỳ vọng; dự báo xuất khẩu rau quả cả năm 2018 chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2017.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 11/2018 ước đạt 283 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2018 lên 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Đã có khoảng 40 loại rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Rau quả xuất siêu 1,93 tỷ USD

Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng, với 73,8% thị phần và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng mạnh vào các thị trường: Úc tăng 36,8%, Hoa Kỳ tăng 34,7%, Thái Lan tăng 32,4%, Hàn Quốc tăng 28,7% và Trung quốc tăng 11,3%. 

Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2018 đạt 137 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 11 tháng lên 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 11 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%). 

Như vậy đến thời điểm này, ngành rau quả trong 11 tháng đạt xuất siêu 1,93 tỷ USD, tương đương với thặng dư thương mại của cả năm trước (năm 2017, xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 42,4% so với năm 2016; giá trị nhập khẩu 1,555 tỷ USD, tăng 68,12% so với năm 2016; xuất siêu 1,959 tỷ USD). 

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, những khó khăn từ thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác đang cản trở sự tăng tốc xuất khẩu rau quả; và dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số trên 42,4% của năm 2017.

Điều đáng nói, sản lượng trái cây trong nước đang tăng nhanh do diện tích nhiều loại trái cây được mở rộng ồ ạt. Tăng trưởng diện tích canh tác cao hơn tăng trưởng tiêu thụ, điều đó đang dẫn đến cung vượt cầu ở nhiều loại trái cây, đặc biệt là cây có múi. 

Từ tháng 11/2018 đến Tết âm lịch là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá bưởi da xanh được thương lái thu mua giảm hơn 50% so với mức giá 2 tháng trước. Bưởi da xanh giảm giá là do nhiều nguyên nhân như chất lượng trái bưởi không đạt. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số trái cây có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp. Hiện giá cam sành tại Đồng bằng sông Cửu Long bán buôn tại vườn chỉ 3.000 - 4.000 đ/kg. 

Mặt khác, vì muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cam chỉ hơn 1 năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều. Hay, tại Tiền Giang, sầu riêng bắt đầu vào mùa thu hoạch, nhưng đang gặp khó khăn về đầu ra do chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc. Trong khi đó nhiều mặt hàng đang và sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi... với năng suất cao, khiến giá nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục giảm.

Phải đột phá vào khâu chế biến

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP - đây là điều kiện tốt để tự do thông thương, trao đổi hàng hóa, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, ông Jeroen Pasman, Trưởng phòng Kinh doanh xuất khẩu - Công ty The Fruit Republic cho rằng, tuy Việt Nam đã có nhiều FTA nhưng cũng không dễ tiếp tục tăng tốc xuất khẩu rau quả. 

Để mở cửa thị trường vẫn còn nhiều hàng rào kỹ thuật khác mà Việt Nam còn phải đàm phán. Điển hình như chuối chưa được xuất khẩu sang Philippines, dừa chưa sang được Trung Quốc hay nhiều rau quả chưa sang được Nhật Bản vì các quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Thách thức lớn nhất hiện nay là nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thế nào để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Các doanh nghiệp và ngành chức năng làm sao xây dựng được các quy chuẩn sản xuất phù hợp cho các nông sản Việt Nam.

Với thành tích tăng trưởng xuất khẩu rau quả hơn 42%, cùng với mức kim ngạch kỷ lục hơn 3,5 tỷ USD của năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề ra mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 10 tỷ USD vào năm 2025. Thế nhưng, với diễn biến thị trường hiện nay, nếu các năm tới chỉ duy trì được tăng trưởng 10% thì đến năm 2025 sẽ chỉ đạt được khoảng 6 tỷ USD. 

Ông Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến, song rau quả Việt xuất khẩu khá hạn chế điểm này, nhất là chế biến sâu. Ngành công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả của Việt Nam còn kém phát triển; lượng doanh nghiệp đầu tư vào chế biến rau quả ở Việt Nam còn rất ít. Lý do là Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh lớn, tập trung.

"Hiện nay, rau quả Việt Nam xuất khẩu chịu hai hàng rào kỹ thuật quan trọng nhất là an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Nếu chế biến được thì Việt Nam sẽ vượt được hai hàng rào kỹ thuật này. Bởi khi đã chế biến sẽ không phải chịu kiểm dịch thực vật và mức độ kiểm tra về an toàn thực phẩm sẽ không nghiêm ngặt như sản phẩm tươi", ông Hồng chia sẻ.