11:01 12/07/2018

Xuất khẩu tiêu giảm mạnh về giá trị, thị trường vẫn chưa thể khởi sắc

Khôi Nguyên

Giá tiêu vẫn tiếp tục chìm sâu trong đà giảm

6 tháng đầu năm, giá tiêu trong xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc.
6 tháng đầu năm, giá tiêu trong xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc.

Kim ngạch xuất khẩu tiêu trong 6 tháng đầu năm giảm đến 36,2% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do giá xuất khẩu giảm. Giá tiêu xuất khẩu giảm đã kéo giảm giá tiêu trong nước.

Ngày thứ sáu (15/6) vừa qua, giá tiêu đen xô tại các vùng nguyên liệu đột ngột giảm mạnh. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương có giá cạnh tranh nhất, giá tiêu đã giảm 2.000 đồng/kg, xuống ở mức 57.000 đồng/kg. Các vùng nguyên liệu còn lại cũng giảm theo và dao động trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá tiêu vẫn tiếp tục chìm sâu trong đà giảm, giá mặc dù có tăng nhẹ 500-1.000 đ/kg tuỳ địa phương nhưng vẫn duy trì ở mức thấp chưa từng có như hiện nay.

Trong khi tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá tiêu giảm xuống mức 57.000 đồng/kg, thì tại các vùng nguyên liệu còn lại giá dao động trong khoảng 54.000-56.000 đồng/kg. Đến ngày 9/7/2018, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai đạt mức 54.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg trong ngày 9/7. Tại Gia Lai và Bình Phước đạt mức lần lượt 51.500 đồng/kg và 53.000 đồng/kg.

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, giá tiêu trong xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào và thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tiêu ước đạt 132 ngàn tấn và 453 triệu USD, tăng 5,1% về khối lượng nhưng giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2018 đạt 3.477 USD/tấn, giảm 40,8% so với cùng kỳ năm 2017 và giảm gần 52% so với cùng kỳ năm 2014.

Năm 2014 được cho là năm hoàng kim của ngành hồ tiêu, vì năm này kim ngạch xuất khẩu tiêu lần đầu tiên chạm mốc 1 tỷ USD, và cũng chính năm này giá tiêu của nông dân bán ra đạt đỉnh 200.000 đ/kg. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Với mức giá bán này, người trồng tiêu có lãi 70%.

Nhưng đến tháng 6/2017, giá hồ tiêu tụt dốc chỉ còn 70.000 - 75.000 đồng/kg. Trước tình hình này, VPA kêu gọi bà con tạm ngừng bán ra, nhờ vậy, giá hồ tiêu đã có dấu hiệu tăng trở lại khoảng trên 80.000 đồng/kg.

Tổng nhu cầu hồ tiêu thế giới khoảng 300.000 - 350.000 tấn/năm, Việt Nam có thể đáp ứng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu, số còn lại thuộc về các nước. Hiện nay có tới 95% sản lượng sản xuất tiêu của Việt Nam được dùng để xuất khẩu. 

Như vậy, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu thế giới cả về quy mô lẫn sản lượng. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pakistan và Đức với 37,8% thị phần.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm ước sản lượng tiêu đạt 268,1 ngàn tấn, tăng 6,0% so năm 2017.

Theo ý kiến của chuyên gia, bất cứ loại hàng hoá nào cũng vậy, khi thị trường luôn trong tình trạng cung vượt cầu thì giá sẽ giảm, và hồ tiêu cũng không ngoại lệ. Một khi sản lượng hồ tiêu của Việt Nam quá lớn thì giá phải rớt. 

Tuy nhiên, rớt xuống áp sát giá thành sản xuất là điều không thể chấp nhận được, vì hiện nay hồ tiêu Việt Nam chiếm gần 60% sản lượng hồ tiêu toàn cầu chỉ cần Việt Nam ngưng bán trong một thời gian ngắn thì giá tiêu trong nước sẽ lập tức tăng trở lại. 

"Nắm nguồn cung lớn trong tay ví như nắm con dao 2 lưỡi, nếu không điều tiết và chi phối được thị trường sẽ phải trả giá do áp lực bán ra. Để giải được bài toán này có 2 cách: ngừng bán khi giá xuống và kiên quyết giảm diện tích trồng hồ tiêu ở mức hợp lý có như vậy mới mong vực dậy giá tiêu trong nước. 

Song, điều đáng nói là hiện có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán trước cả năm với giá thấp, nên họ rất cần giá xuống để mua vào", vị chuyên gia này khuyến cáo.

Có một điều cần lưu ý, hiện nay giá thành sản xuất hồ tiêu đang dao động quanh mức 50.000đ/kg, nhưng lại có một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán trước cả năm nay mức dưới giá thành. Vì vậy, sang năm 2019, rất có khả năng giá hồ tiêu sẽ tuột xuống dưới mức 50.000 đồng/kg.