14:08 02/11/2018

Ý kiến chuyên gia về Nghị định 20: “Nên điều chỉnh theo hướng linh hoạt”

Minh Minh

Việc áp dụng đại trà khi khống chế lãi vay khiến các startup ngay khi thai nghén đã khó huy động vốn nay càng khó hơn

Quy định khống chế lãi vay được trừ thuế của Nghị định 20 đang gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp trong nước.
Quy định khống chế lãi vay được trừ thuế của Nghị định 20 đang gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

Một số chuyên gia cho rằng nên sửa Nghị định 20/2017 theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập theo đúng chủ trương của Chính phủ là nuôi dưỡng, chắp cánh cho startup để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Nhận định rằng, Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết còn có một số bất cập nhiều doanh nghiệp đã gửi văn bản cầu cứu Bộ Tài chính. Theo đó, loạt doanh nghiệp cho rằng họ sẽ bị đóng thêm hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ thuế, từ lãi chuyển sang lỗ, hoặc đứng trước nguy cơ phá sản nếu áp quy định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp không quá tỷ lệ 20% của Nghị định 20.

Bà Hương Vũ, Phó giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Vietnam) cho biết, quy định khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 được Việt Nam tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn của OECD và Hành động số 4 của Diễn đàn hợp tác triển khai chống sói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Nghị định 20 được áp dụng cho các doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.

Song sau 1 năm áp dụng, bà Hương thừa nhận doanh nghiệp Việt do thường hoạt động theo mô hình mẹ - con nhiều nên quy định khống chế lãi vay ảnh hưởng rất lớn.

Bà Hương cho rằng, việc áp dụng hướng dẫn về tỷ lệ nhóm như theo hướng dẫn của OECD và vẫn áp dụng tỷ lệ cố định 20% với công ty có EBITDA lớn hơn 20% có thể khiến việc kiểm soát và quản lý chính sách giá của Nhà nước và các cơ quan ban ngành gặp khó khăn, do chưa có một hệ thống đánh giá hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, các quy định thực hành tốt nhất theo OECD cũng không yêu cầu bắt buộc việc áp dụng một cách riêng biệt cho từng doanh nghiệp đơn lẻ. Việc đưa ra quy định cũng như áp dụng trên thực tiễn cần phải được khảo sát và nghiên cứu trên nhiều khía cạnh.

Phó giám đốc EY Việt Nam cho rằng quy định về việc khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 hiện nay vẫn còn một số bất cập và có thể gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, cần điều chỉnh theo cách mềm mỏng hơn như một số hướng dẫn trong OECD để phù hợp với nhiều đối tượng doanh nghiệp.

"Nghị định 20 có thể điều chỉnh theo hướng bù trừ thu nhập và chi phí lãi vay, lãi suất biến động, tỷ lệ nhóm; xem xét đặc thù cho các doanh nghiệp mới hoạt động/đầu tư mở rộng; xem xét tính đặc thù của tập đoàn là tổng công ty, mô hình hoạt động công ty mẹ - con... Tuy nhiên, việc điều chỉnh mức khống chế cần phải được khảo sát và nghiên cứu thêm để phù hợp điều kiện cũng như các quy định khác tại Việt Nam", bà Hương nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hiền (Hãng Kiểm toán An Việt) - một giảng viên có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực kiểm toán cũng nhận định Nghị định 20 quy định khống chế lãi vay dựa trên tham khảo khuyến cáo các thông lệ tốt nhất về chống sói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận của OECD.

Tuy nhiên khác với hướng dẫn của OECD, Nghị định 20 không cho phép bù trừ lãi vay với thu nhập từ cho vay khiến các công ty hoạt động theo mô hình có công ty huy động vốn (holding company) gặp khó khăn.

Hơn nữa Nghị định 20 cũng không cho phép chuyển khoản lãi vay chưa được trừ trong các năm EBITDA âm hoặc thấp sang các năm sau cũng làm cho các công ty mới thành lập hoặc đang trong quá trình đầu tư, tái cơ cấu gặp nhiều khó khăn.

Theo vị chuyên gia này, Chính phủ nên xem xét các ý kiến của doanh nghiệp và nên điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất và thực tế Việt Nam.

Việc áp dụng đại trà khi khống chế lãi vay cũng khiến các startup ngay khi thai nghén đã khó huy động vốn nay càng khó hơn. Lãnh đạo một doanh nghiệp nhỏ cho rằng công ty mỗi năm chỉ phát sinh giao dịch liên kết khoảng 200 triệu đồng/năm nhưng có vay nợ tài chính lên tới 40-50 tỷ đồng vẫn bị khống chế chi phí lãi vay là bất hợp lý.

Dưới góc nhìn luật, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang nhận định việc khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 không hợp lý gây thiệt hại lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi.