08:05 21/06/2023

AI có thể giúp Trung Quốc chiếm thế thượng phong, vượt Mỹ trở thành nền kinh tế hàng đầu thế giới?

Nguyễn Hà

Việc Trung Quốc không ngừng theo đuổi vị trí dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) là một thách thức đáng kể đối với uy quyền tối cao của Mỹ…

Khi OpenAI công bố ChatGPT, những gã khổng lồ internet của Trung Quốc đã nhanh chóng bắt kịp sự phát triển này. Baidu đã ra mắt bot Ernie vào tháng 3/2023, sau đó là Alibaba Cloud và Kunlun's Tiangong của Alibaba vào tháng 4. 

Zhou Feng, Giám đốc điều hành đơn vị phần mềm dịch thuật Youdao của NetEase, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông trong nước DuoZhi “Chúng tôi phải nhanh chóng bắt kịp thời đại. Những gì chúng tôi đang phải đối mặt là một cuộc cách mạng ở cấp độ công nghệ”.

Phần lớn các học giả Trung Quốc ước tính rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên, sự phục hồi yếu ớt sau tác động của Covid-19 đã làm dấy lên đồn đoán rằng điều đó có thể không bao giờ xảy ra.

Kai-Fu Lee, cựu chủ tịch hoạt động của Google tại Trung Quốc cho biết: “Phát triển các mô hình AI lớn là một cơ hội mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ”.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Nhưng đó không chỉ là sự thay đổi do công nghệ thúc đẩy vì đây là cơ hội giúp mọi người khai thác các công nghệ để tạo ra một tương lai toàn diện, lấy con người làm trung tâm.

TRUNG QUỐC ĐƯỢC HƯỞNG NHIỀU NHẤT TỪ AI

Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey của Mỹ, trí tuệ nhân tạo có thể mang lại khoảng 13 nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2030, dẫn đến tổng sản phẩm quốc nội GDP toàn cầu tăng 16%. Và công ty dịch vụ chuyên nghiệp PwC tin rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ ​​AI khi công nghệ góp phần tăng 26% GDP của nước này vào năm 2030.

Lee, người sáng lập Microsoft Research Asia, người đã mở công ty đầu tư mạo hiểm Sinovation Ventures vào năm 2009, cho biết thêm: “Khả năng của Trung Quốc trong việc triển khai thị trường nội địa rộng lớn và kết nối kinh tế cũng như dòng nhân tài có thể tạo cơ sở ổn định cho sự phát triển sức mạnh điện toán”.

Lee chia sẻ thêm “Nền kinh tế Trung Quốc được kết nối về mọi mặt, chính phủ của họ có thể làm tốt hơn các nước phương Tây trong việc triển khai nguồn lực và tổ chức công việc”.  

AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc và được coi là một trong những động lực cốt lõi để phát triển kinh tế chất lượng cao, theo hướng dẫn phát triển 2021-25 của Trung Quốc.

Mặt khác, các nước phương Tây có xu hướng tin tưởng nhiều hơn vào các doanh nhân tư nhân và một số ưu đãi của chính phủ Trung Quốc để hỗ trợ đầu tư công nghệ. Để chiếm thế thượng phong, Trung Quốc đã nỗ lực hết mình để khai thác tiềm năng của trí tuệ nhân tạo AI với trọng tâm là cơ sở hạ tầng mới, nhằm thúc đẩy sức mạnh tính toán của mình và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ.

THÁCH THỨC NGĂN CẢN TRUNG QUỐC TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC SỐ MỘT VỀ KINH TẾ

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tụt hậu về nhiều khía cạnh kỹ thuật so với Mỹ. Mỹ có đầu tư tư nhân nhiều gấp 3,5 lần, sở hữu một nửa số mô hình ngôn ngữ của thế giới và số lượng trích dẫn kho lưu trữ cao nhất, theo một nghiên cứu của Đại học Stanford.

Bất chấp sự cạnh tranh về công nghệ ngày càng leo thang, cả hai quốc gia đều tham gia vào hợp tác nghiên cứu AI. Tuy nhiên, tốc độ hợp tác đã chậm lại sau năm 2020. Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp bằng cách sản xuất nhiều tạp chí, hội nghị, ấn phẩm về AI nhất và lắp đặt robot công nghiệp hàng đầu, vượt qua tổng số ở tất cả các quốc gia khác cộng lại.

Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), Trung Quốc chiếm 33% năng lực tính toán (computing power) của thế giới, chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với Mỹ. Nestor Maslej, giám đốc nghiên cứu tại Đại học Stanford, cho biết: “Việc Trung Quốc tập trung vào computing power chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc bắt kịp Mỹ về AI”.

Nhưng mặc dù khoảng cách có thể thu hẹp, nhưng Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về công nghệ AI do môi trường đầu tư ưu việt của Mỹ cho các công ty AI, nghiên cứu chất lượng cao hơn và mô hình AI chiếm ưu thế. Năm ngoái, Mỹ đã vượt Trung Quốc hơn 5 lần về sản xuất hệ thống máy học AI, tạo ra 255 hệ thống quan trọng mới so với 44 của Trung Quốc, theo Maslej.

Tăng cường computing power có thể giúp Trung Quốc đi tắt đón đầu trong quá trình phát triển AI, vì việc phát hành các mô hình cơ bản được coi là một yếu tố thiếu sót hạn chế trong sự phát triển AI của đất nước.

Maslej nói thêm: “Việc Trung Quốc tăng năng lực tính toán có thể sẽ mang lại cho các bên tham gia như các trường đại học và thậm chí cả những người trong ngành cơ hội để đào tạo các mô hình quan trọng này”. Theo CAICT, cứ 1 nhân dân tệ (14 cent Mỹ) đầu tư vào sức mạnh tính toán ở Trung Quốc, thì sẽ mang lại 3 đến 4 nhân dân tệ cho sản lượng kinh tế.

Bên cạnh đó, chip cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng năng lực tính toán ở Trung Quốc. Li Yangwei, một nhà tư vấn kỹ thuật làm việc trong ngành công nghiệp điện toán thông minh cho biết: “Ngành công nghiệp AI của Trung Quốc hiện đang thiếu chip điện toán và nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt công nghệ chip của Trung Quốc, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành AI trong thời gian ngắn”.

Khi công nghệ chip của Trung Quốc dần trở nên tự chủ hơn, trở ngại đối với sự phát triển trong nước do thiếu chip có thể được giảm bớt, Li chia sẻ thêm.

“Tôi ước tính tác động của sự thiếu hụt chip đối sẽ được giảm thiểu trong hai đến ba năm tới và chậm nhất là 5 năm”.

Mặc dù vậy, cơn sốt đầu tư vào AI hiện đang lan rộng khắp Trung Quốc.

Chính quyền Thâm Quyến đã công bố vào đầu tháng 6 rằng họ sẽ thành lập quỹ đầu tư AI trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (14 tỷ USD) để biến thành phố này thành khu AI tiên phong ở Trung Quốc. Trung tâm công nghệ này cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc sử dụng AI trong các công trình ngầm, sân bay và bệnh viện.

Thượng Hải cũng đã chi hơn 250 tỷ nhân dân tệ cho cơ sở hạ tầng mới trong ba năm qua, với vốn tư nhân chiếm hơn 30%. Sự gia tăng chi tiêu đã khuyến khích nhiều nhà dự báo Trung Quốc lạc quan về con đường phát triển của đất nước.

Liang Haoguang, giám đốc điều hành thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, tin chắc rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi công nghệ “Đánh giá từ góc độ đổi mới công nghệ, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng bắt kịp quy mô của Mỹ vào năm 2028”.