13:47 23/10/2024

Cắt giảm việc làm liên tục không phải hướng đi bền vững đối với Big Tech

Bảo Ngọc

Bối cảnh sa thải liên tục gần đây tại Meta là dấu hiệu cho thấy một số nhà tuyển dụng sẵn sàng cắt giảm nhân sự thường xuyên. Chuyên gia cho rằng làn sóng sa thải sẽ làm tổn hại đến tinh thần nhân viên và không phải chiến lược bền vững lâu dài…

Meta cùng hàng loạt Big Tech tiếp tục tiến hành sa thải nhân viên trong năm 2024.
Meta cùng hàng loạt Big Tech tiếp tục tiến hành sa thải nhân viên trong năm 2024.

Đồng tác giả cuốn sách “Writing is Designing” Andy Welfle chia sẻ vào đầu tháng này rằng anh bị Microsoft sa thải chỉ sau 9 tháng làm việc. Trước đó, anh cũng dành gần một năm tại công ty chuyên về thử nghiệm và phát triển công nghệ xe tự lái Cruise trước khi bị cho thôi việc.

Hai lần đối mặt với quyết định cắt giảm nhân sự là trải nghiệm tồi tệ, nhưng nhà văn Welfle không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi xu hướng sa thải thường xuyên của phần lớn nhà tuyển dụng hiện nay, đặc biệt tại Thung lũng Silicon.

Theo Business Insider, một trong những ví dụ mới nhất là Meta, công ty cho biết vào tuần trước rằng đang sắp xếp lại một số bộ phận quy mô lớn, dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt tại Instagram, Reality Labs và WhatsApp.

Không rõ có bao nhiêu công việc bị loại bỏ. Đại diện phát ngôn của Meta chia sẻ rằng công ty đang tìm kiếm vị trí phù hợp để bù đắp cho nhóm nhân viên bị ảnh hưởng.

Sau đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều công ty công nghệ hiện áp dụng phương pháp tiếp cận có hệ thống hơn, cắt giảm theo từng phòng ban/bộ phận. Một số Big Tech bao gồm Google, Amazon và Microsoft đều công bố các đợt cắt giảm đáng kể, sau đó vẫn tiếp tục cắt giảm nhưng nhỏ giọt hơn.

Cùng lấy Google làm ví dụ. Công ty mẹ Alphabet đã “khởi động” năm 2023 bằng quyết định cắt giảm khoảng 12.000 việc làm, tương đương 6% lực lượng lao động của hãng. Tiếp theo là vô số đợt cắt giảm nhỏ hơn trong năm nay.

Ông Art Zeile, CEO sàn giao dịch việc làm công nghệ Dice, nhận định nhiều công ty lớn trong ngành đã xác định một số phòng ban không còn mang lại đủ lợi nhuận và cần chuyển hướng nguồn lực sang các lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng cao như trí tuệ nhân tạo.

Không có gì ngạc nhiên, chiến lược cắt giảm nhân sự từng đợt trong vài năm qua khiến nhiều nhân viên công nghệ lo lắng. Trong cuộc khảo sát của Indeed vào tháng 6/2024 liên quan đến hơn 1.100 lao động công nghệ Hoa Kỳ, 40% số người được hỏi khẳng định ​​luôn bị ảnh hưởng ít nhiều khi công ty tiến hành sa thải. Cứ 7 trong số 10 người tham gia cho biết sẽ bắt đầu tìm kiếm công việc khác nếu công ty ra quyết định sa thải nhân viên, dù không nằm trong nhóm bị cho thôi việc.

CHIẾN LƯỢC KHÔNG BỀN VỮNG

Bà Linsey Fagan, cố vấn chiến lược nguồn nhân lực cấp cao tại Indeed, nhận định hầu hết đợt sa thải định kỳ đều diễn ra trong lĩnh vực công nghệ, chủ yếu là do công ty trong ngành phát triển quá nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch và đang phải điều chỉnh lại cơ cấu. 

"Đây chắc chắn không phải là chiến lược bền vững", vị chuyên gia nói thêm.

Bà Fagan cho biết, động lực làm việc của nhân viên bắt đầu đi xuống trước đợt sa thải vì lo sợ mình chính là đối tượng bị cắt giảm tiếp theo. Sau khi sa thải, tình cảm của công nhân đối với công ty và lãnh đạo "giảm mạnh trong dài hạn".

Cố vấn chiến lược tại Indeed nhận định ngay cả một số đợt sa thải quy mô nhỏ hơn cũng có thể khiến người lao động lo lắng. Sự phát triển của công nghệ tiên tiến như AI tạo sinh và mối đe dọa sa thải thường trực đã thúc đẩy nhiều lao động trong ngành nâng cao kỹ năng cá nhân, rồi tìm đến bến đỗ an toàn hơn.

Đa số nhân viên công nghệ tìm kiếm việc làm trên Indeed nếu sở hữu kỹ năng chuyên môn cao thường sẽ ứng tuyển vào các công ty cung cấp nhân sự, nơi có thể đưa ra nhiều lựa chọn linh hoạt, hoặc ứng tuyển vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hơn là vào công ty công nghệ.

Tất nhiên, dù một bộ phận nhỏ bị thu hút bởi sự linh hoạt mà các công việc bán thời gian hoặc theo hợp đồng có thể mang lại, nhưng công nghệ từ trước đến nay vẫn là ngành công nghiệp số một mà bất kỳ lập trình viên hay nhà phát triển nào cũng muốn gia nhập.

"Chỉ là họ đang không cảm thấy ổn định", bà Fagan bộc bạch.

Bối cảnh sa thải khiến nhiều nhân viên công nghệ rơi vào tình trạng bất an, lo lắng.
Bối cảnh sa thải khiến nhiều nhân viên công nghệ rơi vào tình trạng bất an, lo lắng.

NGUYÊN NHÂN ĐẰNG SAU LÀN SÓNG CẮT GIẢM VIỆC LÀM

Dường như các nhà đầu tư Phố Wall rất ưa chuộng chiến lược “cắt xén” thường xuyên này.

Tại Meta, CEO Mark Zuckerberg đã chứng kiến giá cổ phiếu của công ty tăng vọt ngay sau khi thực hiện sa thải.

Rõ ràng, nhiều gã khổng lồ công nghệ đang già đi và không còn trong giai đoạn tăng trưởng đỉnh cao. Mục tiêu của hãng không nhắm đến việc thu hút nhân tài nữa. Nhiều công ty buộc phải cắt giảm sau khi tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch.

Tỷ phú Zuckerberg từng tuyên bố năm 2023 sẽ là "năm hiệu quả" của Meta. Nhà lãnh đạo khẳng định chiến lược này sẽ trở thành điểm nhấn chứ không phải sai lầm.

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG DẦN PHỤC HỒI

CEO Zeile dự đoán cuối cùng thì nhà đầu tư sẽ trông chờ vào các công ty công nghệ có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí và trở lại thời kỳ tăng trưởng hoàng kim. Ông Zeile nhận định thị trường tuyển dụng sẽ sôi nổi hơn khi các công ty nhận thấy có nhiều lĩnh vực cần người lao động.

Ví dụ, Meta hiện chiếm lĩnh ở một số lĩnh vực, nhưng cũng đang phát triển thêm nhiều mảng mới.

"Meta đang trên đà phát triển", vị CEO chia sẻ. "Hãng không còn tuyển dụng kỹ sư VR nữa nhưng lại tuyển dụng thêm kỹ sư AI, vì vậy thực chất Meta vẫn tăng cường tuyển dụng".

Chuyên gia Fagan cho biết dấu hiệu đáng mừng là sau khi cắt giảm hàng loạt trong nhiều năm, số lượng bài đăng tuyển dụng tại một số lĩnh vực như phát triển phần mềm đang giữ mức ổn định một vài tháng trở lại đây, mặc dù vẫn thấp hơn 30% so với năm 2020. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa là tỷ lệ người lao động bị sa thải sẽ ít hơn. Con số cũng phần nào chỉ ra rằng đa số công ty đang tuyển dụng rất thận trọng nhằm đảm bảo vừa đủ nguồn lực và không bị dư thừa. 

Bà Fagan nhấn mạnh: "Nhiều công ty không muốn tiến hành tuyển dụng ồ ạt rồi sa thải nhân viên".