15:12 29/10/2024

Chuẩn bị cho vòng gọi vốn lớn nhất từ trước đến nay, đối thủ của Google vẫn gây nhiều tranh cãi

Sơn Trần

Mới đây, tập đoàn truyền thông lớn thứ ba thế giới News Corp đã cáo buộc công ty khởi nghiệp AI Perplexity vi phạm bản quyền trong vụ kiện mới. Động thái diễn ra khi Perplexity đang chuẩn bị cho vòng gọi vốn lớn sắp diễn ra…

Perplexity vướng cáo buộc vi phạm bản quyền với nhiều hãng truyền thông lớn.
Perplexity vướng cáo buộc vi phạm bản quyền với nhiều hãng truyền thông lớn.

Perplexity, công ty khởi nghiệp AI được kỳ vọng có thể cạnh tranh trực tiếp với Google, đang khiến nhiều tổ chức truyền thông nổi tiếng giận dữ ngay trước thềm vòng gọi vốn khổng lồ - đánh dấu lần thứ tư kêu gọi tài trợ trong năm nay, theo Business Insider.

The Wall Street Journal đưa tin, công cụ tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI này đang đàm phán huy động 500 triệu USD với mức định giá 8 tỷ USD - bước đại nhảy vọt so với mức định giá 3 tỷ USD hồi giữa năm.

Perplexity huy động được rất nhiều tiền mặt trong khi xung đột với vô số ấn phẩm hàng đầu. Những ấn phẩm này cáo buộc công ty truy cập và sử dụng nội dung không đúng cách.

Hôm đầu tuần, tờ Journal và New York Post đệ đơn kiện công ty, trở thành tổ chức mới nhất đưa ra cáo buộc chống lại Perplexity và thể hiện rõ căng thẳng diễn ra khi hầu hết công ty truyền thông đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng của AI.

Trong tuyên bố với Business Insider, Giám đốc Điều hành News Corp Robert Thomson cho biết Perplexity đang gây tổn hại cho giới nhà báo, nhà xuất bản khi sao chép "lượng lớn tài liệu có bản quyền mà không chủ động bồi thường". Đồng thời, ông khen ngợi OpenAI – đối tác của News Corp – vì cách tiếp cận "có nguyên tắc".

Perplexity chưa trả lời yêu cầu bình luận từ báo chí.

CÁC NHÀ ĐẦU TƯ LỚN HẬU THUẪN

Perplexity ra đời vào năm 2022 bởi một số nhà đồng sáng lập Aravind Srinivas, Denis Yarats, Johnny Ho và Andy Konwinski. Trong đó, ông Srinivas - cựu nhà khoa học nghiên cứu tại OpenAI đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành.

Perplexity là công cụ tìm kiếm chạy bằng AI, kiếm tiền bằng cách bán gói đăng ký. Theo The Journal, công ty sẽ sớm bán quảng cáo trong thời gian tới. Perplexity ghi nhận doanh thu hàng năm đạt 50 triệu USD và xử lý hơn 15 triệu lượt tìm kiếm mỗi ngày.

Perplexity đã thu hút được sự hậu thuẫn của ông trùm công nghệ Jeff Bezos cũng như công ty chip trị giá nghìn tỷ USD Nvidia.

Tháng một năm nay, công ty thành công huy động khoảng 74 triệu USD với mức định giá 520 triệu USD; trong vòng gọi vốn tiếp theo, công ty được định giá 1 tỷ USD và cuối cùng là mức định giá 3 tỷ USD sau khi Vision Fund 2 của SoftBank đầu tư.

CÁO BUỘC 'ĂN CẮP' TỪ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG

Trong những tháng gần đây, Perplexity xảy ra xung đột với một số tổ chức truyền thông, bao gồm Forbes và Wired.

Vào tháng sáu, biên tập viên điều hành Forbes cáo buộc Perplexity "ăn cắp" thông tin trong một cuộc điều tra mà không ghi rõ nguồn. Trả lời cáo buộc, CEO Srinivas đồng ý rằng nguồn tin đáng lẽ phải nổi bật hơn.

Cùng tháng đó, Wired đưa ra tuyên bố tương tự trong cuộc điều tra khi phát hiện Perplexity thực hiện tóm tắt một số bài báo không chính xác và không rõ nguồn gốc. Wired cũng cho rằng Perplexity có khả năng cao sao chép nội dung từ những trang web giới hạn.

Perplexity phản bác trong một tuyên bố gửi đến cơ quan truyền thông, mặc dù Wired đưa tin rằng công ty không phủ nhận cáo buộc.

"Các câu hỏi từ Wired phản ánh sự hiểu lầm sâu sắc và cơ bản về cách Perplexity và internet hoạt động", ông Srinivas giải thích với Wired.

RẮC RỐI PHÁP LÝ TỪ THE NEW YORK TIMES VÀ NEWS CORP

Perplexity khẳng định công ty chỉ lập mục các trang web và đưa nội dung thực tế lên dưới dạng trích dẫn.
Perplexity khẳng định công ty chỉ lập mục các trang web và đưa nội dung thực tế lên dưới dạng trích dẫn.

Chưa dừng lại ở đó, Perplexity còn nhận thấy công ty nằm trong tầm ngắm pháp lý của The New York Times và News Corp.

Tuần trước, The Times – trước đây từng kiện OpenAI và Microsoft – gửi cho Perplexity một lá thư yêu cầu ngừng sử dụng nội dung của Times. Hãng thông tấn yêu cầu Perplexity giải trình chi tiết về cách truy cập nội dung của Times, yêu cầu công ty "ngay lập tức chấm dứt tất cả các truy cập trái phép ở hiện tại và tương lai".

"Chúng tôi không thu thập dữ liệu để xây dựng mô hình nền tảng", Perplexity nói với Reuters trong một tuyên bố, "mà chỉ lập mục các trang web và đưa nội dung thực tế lên dưới dạng trích dẫn để cung cấp thông tin phản hồi khi người dùng đặt câu hỏi".

Đầu tuần này, tờ Journal và chủ sở hữu của New York Post là News Corp, đệ đơn kiện Perplexity với cáo buộc vi phạm bản quyền.

"Vụ kiện được đưa ra bởi nhà xuất bản tin tức, những người chịu thiệt hại nặng nề bởi kế hoạch trơ trẽn của Perplexity nhằm cạnh tranh giành độc giả, đồng thời tự do hưởng lợi trên nội dung có giá trị mà nhà xuất bản tạo ra", đơn kiện nêu rõ.

Đơn kiện cáo buộc Perplexity xây dựng cơ sở người dùng "thông qua hành vi trộm cắp khối lượng lớn tài liệu có bản quyền" và đe dọa "trừng phạt" công ty thích đáng trước tòa.

Trong khi Perplexity phải đối mặt với sự chỉ trích từ phương tiện truyền thông, thì đối thủ cạnh tranh OpenAI đã đạt thỏa thuận với các nhà xuất bản để có quyền sử dụng nội dung.

Vào tháng năm, OpenAI công bố trở thành đối tác nhiều năm với News Corp, cung cấp cho công ty AI quyền truy cập nội dung từ tài sản truyền thông của tập đoàn.

Thỏa thuận công khai vài tháng sau khi OpenAI và Axel Springer công bố thỏa thuận tương tự, cho phép ChatGPT truy cập nội dung chọn lọc từ các ấn phẩm Axel Springer - bao gồm Politico, Business Insider hay như BILD và WELT.