15:45 11/10/2024

Chuyên gia viễn thông: Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc

Bảo Bình

Với tốc độ siêu nhanh và độ ổn định cao, 5G sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số, chính phủ số. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh phủ sóng mạng 5G, đặc biệt khi mạng 3G dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2028...

Với dung lượng tăng cao và chi phí truyền tải dữ liệu rẻ hơn trên mỗi GB, mạng 5G mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.
Với dung lượng tăng cao và chi phí truyền tải dữ liệu rẻ hơn trên mỗi GB, mạng 5G mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của kết nối với sự phát triển mạnh mẽ của mạng 5G. Những ngày vừa qua, thông tin về việc mạng 5G ra mắt tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý của người dùng và các doanh nghiệp. Thậm chí, một số người phản ánh đã “nhìn thấy tín hiệu của mạng 5G trên máy điện thoại”.

CÁC NHÀ MẠNG VIỆT NAM “RẬM RỊCH” RA MẮT GÓI CƯỚC 5G

Theo thông tin, dự kiến vào ngày 15/10, Viettel sẽ chính thức thương mại hóa mạng 5G,  khi nhà mạng này kỷ niệm 20 năm thành lập. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam. 

Ngay từ thời điểm hiện tại, người dùng đã có thể đăng ký trước các gói cước 5G và nhiều tỉnh thành đã bắt đầu phủ sóng mạng 5G. Từ đầu tháng 10, một số trang web bán hàng của Viettel đã bắt đầu công khai các gói cước 5G cho thuê bao trả trước và đến ngày 10/10, nhà mạng tiếp tục đưa ra gói cho thuê bao trả sau.

Trong khi đó, nhà mạng VinaPhone cũng đang có những động thái triển khai mạng 5G. Hiện nay, VinaPhone đã thiết lập trang web dành riêng để đăng tải mọi thông tin liên quan đến mạng 5G của nhà mạng này. Được biết, VinaPhone đang cung cấp chương trình trải nghiệm 5G miễn phí cho khách hàng sở hữu thiết bị tương thích, tạo cơ hội cho người dùng được tận hưởng tốc độ siêu nhanh của công nghệ này.

Theo đó, VinaPhone cho biết mạng 5G của VinaPhone đã phủ sóng tại một số quận trung tâm ở Hà Nội và TP.HCM như quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng ở Hà Nội và quận 1, quận 3 ở TP.HCM.

Nhà mạng sẽ chủ động rà quét và kiểm tra thiết bị đầu cuối của khách hàng, với khách hàng sử dụng thiết bị hỗ trợ 5G đang hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, tại địa điểm có phủ sóng VinaPhone 5G, nhà mạng sẽ chủ động thực hiện mở và mời khách hàng trải nghiệm dịch vụ VinaPhone 5G cho khách hàng đủ điều kiện đồng thời khuyến mại miễn phí truy cập Data 5G khi thuê bao hoạt động trong vùng phủ sóng 5G.

Trước đó, Viettel, VNPT và MobiFone đã nhận giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông để thử nghiệm và triển khai mạng 5G. Trao đổi với phóng viên VnEconomy về việc các nhà mạng Việt Nam sẽ chính thức ra mắt mạng 5G, ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cho biết đó là một “tin tức tuyệt vời”.

Theo chuyên gia Scott Minehane, mạng 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Ngoài ra, với tốc độ truyền tải dữ liệu cao, mạng 5G hứa hẹn sẽ thúc đẩy chính phủ trong việc chuyển đổi các quy trình và đưa nhiều dịch vụ công trực tuyến hơn, giúp việc truy cập và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

TRIỂN KHAI 5G ĐÒI HỎI ĐẦU TƯ LỚN, KHÔNG NÊN KỲ VỌNG GIÁ CƯỚC 5G SẼ GIẢM

Cụ thể, với tốc độ kết nối nhanh và ổn định, 5G sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa các lĩnh vực quan trọng như lương hưu, y tế, giáo dục, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công dễ dàng và hiệu quả hơn. Việc triển khai 5G không chỉ nâng cao hiệu suất hoạt động của các cơ quan nhà nước mà còn cải thiện trải nghiệm người dùng, giúp các dịch vụ này trở nên tiện lợi, minh bạch và công bằng hơn cho toàn bộ dân số.

Không chỉ giới hạn ở lĩnh vực công, 5G còn tạo nền tảng cho các dịch vụ mới dành cho doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình số hóa trong sản xuất và quản lý. “Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp, 5G sẽ cải thiện quy trình tự động hóa, tăng cường hiệu suất và tạo điều kiện cho việc triển khai các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật (IoT)”, ông Scott Minehane nói.

“Về tổng thể, mạng 5G hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, không chỉ trong việc cải thiện hiệu quả kinh tế mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và dịch vụ số trong tương lai”.

Ông Scott Minehane (thứ tư từ trái sang) cùng các chuyên gia và đồng nghiệp trong cuộc họp với Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) về dự thảo luật viễn thông mới của nước này.
Ông Scott Minehane (thứ tư từ trái sang) cùng các chuyên gia và đồng nghiệp trong cuộc họp với Ủy ban Cạnh tranh Philippines (PCC) về dự thảo luật viễn thông mới của nước này.

Theo chuyên gia viễn thông của ITU, chính phủ cũng như các nhà mạng Việt Nam cần tập trung phủ sóng 5G rộng trên toàn quốc. “Trong giai đoạn đầu, việc phủ sóng 5G sẽ tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị, sử dụng tần số 2.6GHz và 3.5GHz. Tuy nhiên, về lâu dài, băng tần 700MHz sẽ trở thành yếu tố quan trọng để mở rộng vùng phủ sóng, đặc biệt là trong việc đảm bảo kết nối tại các tòa nhà, trung tâm mua sắm và các khu vực đông người như nhà ga. Băng tần này cũng đặc biệt quan trọng cho các dịch vụ thoại trong tương lai”, ông Scott Minehane cho biết. 

Hơn nữa, Việt Nam cũng đã lên kế hoạch để ngừng hoạt động mạng 3G vào năm 2028, toàn bộ các cuộc gọi thoại sẽ đẩy sang nền tảng 4G và 5G. Do đó, chính phủ cần có chiến lược toàn diện để đảm bảo mạng 5G được phủ sóng trên toàn quốc, bao gồm cả các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, và miền núi, thậm chí “có thể cần đến giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng hoặc mạng lưới giữa các nhà mạng”. Ngoài ra, chính phủ cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức trong việc chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy sự tiếp nhận và ứng dụng 5G một cách rộng rãi.

Theo Quyết định số 1132/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ký phê duyệt về chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mạng 5G sẽ phủ sóng toàn bộ các thành phố lớn, khu công nghiệp, sân bay và cảng biển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Năm 2030, mục tiêu là 99% dân số Việt Nam được tiếp cận với mạng 5G. Ngoài ra, Việt Nam cũng phấn đấu trung bình mỗi người dân có 01 kết nối Internet vạn vật (IoT - Internet of Things). 

Về giá cước, ông Scott Minehane cho rằng đây chắc chắn là một vấn đề được quan tâm, nhưng xét về lợi ích tổng thể cho các nhà mạng di động (MNOs), chi phí truyền tải dữ liệu không dây trên mạng 5G sẽ thấp hơn đáng kể so với các công nghệ trước đó. Với dung lượng tăng cao và chi phí truyền tải dữ liệu rẻ hơn trên mỗi GB, mạng 5G mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Tuy nhiên, việc triển khai 5G đòi hỏi đầu tư lớn, vì vậy không nên kỳ vọng giá cước 5G sẽ giảm ngay lập tức. Thực tế nhu cầu dữ liệu không dây ngày càng tăng sẽ có khả năng dẫn đến việc tăng giá cước dữ liệu nếu không có 5G. Về lâu dài, 5G có thể giúp kìm hãm đà tăng giá cước, nhờ vào khả năng cung cấp dữ liệu hiệu quả hơn và chi phí rẻ hơn cho các nhà mạng.