08:00 01/06/2024

Đà Nẵng giải bài toán “con gà và quả trứng” trong đào tạo nhân lực bán dẫn

Bảo Bình

Không đào tạo theo phong trào, thành phố Đà Nẵng tập trung vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, hợp tác với các đại học lớn và hình thành liên minh giữa các trường để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực bán dẫn phù hợp thị trường...

Đã Nẵng đã thành lập "Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo" (DSAC), tạo cơ hội phát triển đào tạo, nghiên cứu các ngành công nghệ cao
Đã Nẵng đã thành lập "Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo" (DSAC), tạo cơ hội phát triển đào tạo, nghiên cứu các ngành công nghệ cao

Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp chip và bán dẫn của Đà Nẵng tại hội thảo về chủ đề “Hợp tác, phát triển công nghiệp bán dẫn” mới đây, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng là một trong những địa phương tích cực tham gia vào việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nhận thức rõ để phát triển một doanh nghiệp, cần có những yếu tố cơ bản là nguồn nhân lực, thị trường, cơ sở vật chất và cơ chế chính sách.

Do đó, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023, ngay lập tức vào ngày 10/10/2023, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo về phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngành công nghiệp.

KHÔNG ĐÀO TẠO THEO PHONG TRÀO

“Khi doanh nghiệp muốn phát triển, điều đầu tiên họ cần là nhân lực. Khi doanh nghiệp muốn đầu tư tại Đà Nẵng, câu hỏi đầu tiên họ đặt ra cũng là về nguồn nhân lực”, ông Lê Hoàng Phúc nói. Trong khi đó, có một thực trạng đang diễn ra là các trường đại học và cơ sở đào tạo nhân lực ở Đà Nẵng lại băn khoăn một khi đã đầu tư lớn vào đào tạo, nguồn nhân lực sau đào tạo sẽ đi đâu.

“Điều này cho thấy nhu cầu và nguồn cung nhân lực giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn chưa gặp nhau. Đây là một dạng vấn đề kiểu “con gà và quả trứng”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo nói.

Vì vậy, thành phố Đà Nẵng quyết tâm giải quyết bài toán "con gà và quả trứng" này bằng cách tập trung vào ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Thành phố sẽ đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất, hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo, và đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Theo ông Lê Hoàng Phúc, ba nội dung chính mà Đà Nẵng sẽ tập trung là phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng (không chỉ là trụ sở, trang thiết bị, mà còn là hệ thống tính toán hiệu năng cao để hỗ trợ cơ sở đào tạo và nghiên cứu), và thiết lập các chính sách ưu đãi. 

Ngoài ra, có một điểm quan trọng cuối cùng mà ông Lê Hoàng Phúc đã đề cấp đến chính là vai trò kiến tạo của nhà nước. Nhà nước không làm thay doanh nghiệp, không tạo ra sản phẩm, nhưng sẽ đóng vai trò kiến tạo để khu vực tư nhân và các doanh nghiệp có thể phát triển và tạo ra các sản phẩm chất lượng.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết: “Nguồn nhân lực cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, và trong vấn đề này vai trò của nhà nước rất quan trọng”. 

“Ba bên gồm nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp đều có vai trò riêng. Trong đó, nhà nước phải đảm bảo vai trò điều phối trong vấn đề chính sách, và vì vậy, thành phố chúng tôi xây dựng chính sách hỗ trợ cho cả người học và người dạy”.

Đà Nẵng là một trong ba trung tâm đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của cả nước, bao gồm cả lĩnh vực thiết kế chip và bán dẫn. Thành phố đã tổ chức khảo sát sáu trường trọng điểm của thành phố, trong đó có các trường như Đại học Bách khoa, Đại học FPT, Đại học Việt Hàn…. Hiện tại, mỗi năm các trường này đào tạo khoảng hơn 1.000 kỹ sư liên quan đến thiết kế vi mạch và gần 2.000 kỹ sư trong các lĩnh vực liên quan khác. 

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ba trường đại học của Đà Nẵng đã công bố sẽ tuyển sinh 170 chỉ tiêu kỹ sư thiết kế vi mạch bậc 7 đầu tiên của thành phố. Đây là bước đi quan trọng trong việc triển khai các chương trình chuyển đổi và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đà Nẵng đặt ra mục tiêu về lực lượng lao động là đến năm 2030 sẽ có 5.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn đồng thời thiết lập mạng lưới các trường đại học, cơ sở đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đáng chú ý, theo ông Lê Hoàng Phúc, trong đào tạo, Đà Nẵng không chỉ “đào tạo theo phong trào, đào tạo theo cái gì chúng ta có, mà còn tập trung vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp".

Tiến hành các cuộc đàm phán đầu tư với các doanh nghiệp lớn từ Hoa Kỳ, Đài Loan giúp thành phố biết nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đến từ những trường đại học nào. Dựa trên thông tin đó, Đà Nẵng phối hợp với các trường đại học để tạo ra các chương trình hợp tác. Ví dụ, Đại học Bách khoa Đà Nẵng có thể hợp tác với Đại học Thanh Hoa, Đại học Việt Hàn có thể hợp tác với các trường đại học ở Hàn Quốc.

"Chúng tôi thúc đẩy việc hình thành liên minh giữa các trường đại học của Đà Nẵng để cùng hợp tác và đào tạo theo hướng phản ánh nhu cầu của doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi đảm bảo chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tế của thị trường”, ông Lê Hoàng Phúc nói.

Đà Nẵng đặt ra mục tiêu về lực lượng lao động là đến năm 2030 sẽ có 5.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có khoảng 1.500 kỹ sư thiết kế vi mạch 
Đà Nẵng đặt ra mục tiêu về lực lượng lao động là đến năm 2030 sẽ có 5.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có khoảng 1.500 kỹ sư thiết kế vi mạch 

Đà Nẵng đặt tham vọng không chỉ cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn hợp tác để cung cấp nguồn nhân lực cho các thị trường quốc tế như Mỹ, nơi đang thiếu hụt nhân lực.

CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẶC THÙ, THU HÚT DOANH NGHIỆP BÁN DẪN CỦA ĐÀ NẴNG

Theo thông tin được ông Lê Hoàng Phúc chia sẻ, hiện nay, Đà Nẵng có hơn 2.400 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử, với mật độ 2,3 doanh nghiệp trên 1.000 dân, cao gấp ba lần so với mức bình quân chung của cả nước. Thành phố có tổng cộng 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip, trong đó có 4 doanh nghiệp nội địa và 6 doanh nghiệp quốc tế. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng số lượng doanh nghiệp thiết kế chip từ 10 lên hơn 20. 

“Chúng tôi sẽ có lộ trình rõ ràng, tiếp cận và hỗ trợ cụ thể các doanh nghiệp về những yêu cầu cần thiết để mở văn phòng thiết kế chip tại Đà Nẵng. Ngoài thiết kế chip, chúng tôi cũng quan tâm đến các khâu sản xuất, lắp ráp, và kiểm thử, với kế hoạch thu hút doanh nghiệp mở cơ sở tại khu công nghệ cao của thành phố Đà Nẵng”, ông Lê Hoàng Phúc nói.

Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo Thiết kế Vi mạch và Trí tuệ nhân tạo đang tham mưu Sở Thông tin và Truyền thông cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành đề án phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI. Ngày 11/6 tới sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, và nhà khoa học để hoàn thiện chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm Bán dẫn và AI, trở thành đầu mối hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn. Thành phố đang trình cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách đặc thù nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, như cung cấp giá thuê hạ tầng hợp lý tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2, Khu CNTT Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các chính sách thuế ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), VAT và thuế nhập khẩu hay các thủ tục visa, bảo hộ sở hữu trí tuệ … đang được xin phê duyệt từ Trung ương và dự kiến có hiệu lực trong năm 2024.

Một chính sách quan trọng khác nữa là chương trình thu hút nhân tài và hỗ trợ đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn và AI của Đà Nẵng, dự kiến sẽ triển khai vào quý 3 năm 2024.