Tháng 12/2018, tuyến phố Trịnh Văn Bô tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chính thức được hoàn thành. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhà doanh nhân nổi tiếng Hà Nội, người đã đồng hành cùng dân tộc và cách mạng đã được đặt tên cho một tuyến đường lớn của Thủ đô.
Đặt tên một nhà tư sản cho một tuyến đường tại Hà Nội, ngoài việc tưởng nhớ công lao của ông Trịnh Văn Bô, còn là cách để nhắc nhớ chúng ta nhớ về một giai đoạn đầy sóng gió của đất nước.
Cách đây 78 năm, năm 1945, thời điểm chính quyền công nông non trẻ vừa giành được độc lập đã phải đương đầu với rất nhiều vấn nạn nguy hiểm, đặc biệt, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô đã đem hết tài sản, công sức ủng hộ cách mạng với một suy nghĩ đơn giản: Phải giữ được chính quyền non trẻ thì đất nước mới giữ được độc lập, mới có tự do. Muốn vậy thì phải có tiền để lo nhiều chuyện lớn. Vì thế, hơn 90% số tiền buôn vải được vợ chồng ông Trịnh Văn Bô đem ra ủng hộ cách mạng.
Sau nhiều lần dốc vốn liếng, tổng cộng gia đình ông Trịnh Vặn Bô đã đóng góp cho nền tài chính cách mạng 5.147 lạng vàng. Sau này, nhà lão thành cách mạng Võ Văn Sỹ đúc kết câu chuyện của gia đình vị doanh nhân nổi tiếng Hà Thành qua bài thơ ngắn gọn nhưng đủ nói lên tâm huyết của ông Trịnh Văn Bô:
Từ năm 2020 đến năm 2022, dù không phải đối mặt với giặc ngoại xâm, với giặc đói, giặc dốt nhưng đại dịch Covid -19 cũng là một thử thách đặc biệt khó khăn với dân tộc Việt Nam.
Nhiều tháng trời các tỉnh thành phải bế quan tỏa cảng để ngăn Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, những dòng người thất nghiệp lũ lượt kéo nhau về quê là hệ lụy mà dịch bệnh đã gây ra. Trong bối cảnh đó, hàng vạn doanh nghiệp, doanh nhân đã sẵn lòng đóng góp tiền tài, vật lực để chung tay cho mục tiêu “phổ cập” vaccine tới toàn bộ người dân Việt, nhờ đó đã chặn đứng và đẩy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh chúng ta đã phải đối mặt với những bối cảnh rất khó khăn, không có tiền lệ, ngoài dự báo. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt Nga - Ukraine; sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chính sách chống lạm phát của các nước phát triển, nhất là Mỹ và châu Âu, trong khi đó quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, độ mở kinh tế cao, sức chịu đựng có hạn trước các cú sốc cả từ bên trong và bên ngoài.
Các thị trường chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ, bất động sản, bên cạnh mặt tích cực phát triển mạnh mẽ trong những năm qua nhưng cũng bộc lộ những bất cập. Vì vậy, cần những biện pháp chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả để phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, bền vững hội nhập và góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân.
Dù phải đối diện trước tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, với những quyết sách đúng, trúng, phản ứng linh hoạt, kịp thời, bài bản của Trung ương Đảng, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nền kinh tế nước ta đã có sự phục hồi vượt bậc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân vô cùng cần thiết không chỉ trong những hoàn cảnh cụ thể mà còn rất quan trọng đối với việc góp ý xây dựng thể chế chính sách, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.
Nhắc lại câu chuyện hiến tiền, vàng cho cách mạng của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô cũng như những đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân trong giai đoạn Covid-19 vừa qua để thấy doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò rất quan trọng với sự phát triển vững bền của đất nước.
Trong thời bình, những doanh nhân chân chính tìm cách phát triển doanh nghiệp, chăm lo cho đời sống người lao động và làm giàu cho bản thân. Nhưng khi đất nước, nhân dân cần, họ sẵn sàng đóng góp, hy sinh lợi ích của mình.
Sau gần 80 năm, kể từ ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã đạt số lượng hàng triệu người, đang lãnh đạo, quản lý, điều hành gần 1 triệu doanh nghiệp, gần 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Dự kiến đến năm 2025, cả nước sẽ có 1,5 triệu doanh nghiệp.
Đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vươn lên đứng thứ 37 thế giới về quy mô GDP, nằm trong TOP 20 thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.
Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 6 vào Hoa Kỳ, vượt qua cả nước Anh, đối tác thương mại truyền thống của Hoa Kỳ. Một số doanh nhân Việt Nam đã có tên trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Hiện có trên 1.600 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng số vốn gần 22 tỷ USD.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho rằng: “Nét tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa doanh nghiệp và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực và thế giới, thực hiện nguyện ước của Bác Hồ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Theo nhiều chuyên gia, thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục dự báo phức tạp, khó lường hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước; thị trường quốc tế thu hẹp. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu có thể khó lường hơn; thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra nhiều hơn, hậu quả nặng nề hơn.
Nước ta đang có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đặc biệt do tác động của tình hình địa chính trị, khó khăn của kinh tế toàn cầu. Đồng thời, khi xử lý những bất cập, tồn tại của thị trường tài chính nhất là trái phiếu, chứng khoán, tiền tệ sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý xã hội, và nhà đầu tư.
Phát biểu tại sự kiện vinh danh những doanh nhân tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa, cùng cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngày 2/9/1945 đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Việt Nam non trẻ. Ngày 2/9/2023, cũng sẽ đánh dấu một dấu mốc đặc biệt khi con tàu kinh tế Việt Nam đã cơ bản thoát khỏi những khúc cua hiểm nghèo nhất.
Trên hành trình đó, không thể không nhắc tới vai trò của hàng triệu doanh nhân Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đội ngũ doanh nhân Việt Nam với truyền thống Tâm - Tài - Trí - Tín vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
VnEconomy 02/09/2023 10:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 36-2023 phát hành ngày 04-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam